Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình cao của toàn xã hội, khi mà nhiều năm nay học sinh bị đè nặng bởi áp lực thi cử.
Từ năm 2014 trở về trước, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, học sinh (HS) trải qua ít nhất 2 kỳ thi: kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) (riêng kỳ thi ĐH-CĐ, thí sinh có thể phải thi 2 - 3 đợt). Trong một thời gian ngắn phải vượt qua nhiều đợt thi khiến cho HS cảm thấy nặng nề. Trong khi HS mệt mỏi vì thi cử liên tục thì xã hội phải gánh chịu sự tốn kém do việc tổ chức nhiều kỳ thi. Đáng quan tâm hơn, vài năm gần đây, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm, con số nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT bằng hoặc xấp xỉ 100%, khiến cho dư luận xã hội cảm thấy băn khoăn. Với tỷ lệ đỗ cao tới đỉnh như vậy, tổ chức làm gì cho tốn kém?
Việc đổi mới thi là phù hợp với quy luật phát triển. Theo quy định mới, kể từ năm 2015, HS sẽ tham dự một kỳ thi quốc gia, vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH-CĐ. Việc tổ chức coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực. Một điểm mới đáng chú ý, trong kỳ thi sắp tới, môn Anh văn trở thành môn thi bắt buộc. Đó không chỉ thể hiện sự hội nhập, giao lưu, phát triển, trong xu hướng hội nhập, tiếng Anh là ngoại ngữ cần thiết đối với HS, mà bởi ngành đã và đang thực hiện đề án “Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, giai đoạn 2012-2017”.
Có thể nói, phương án thi mới mà bộ vừa ban hành hoàn toàn phù hợp với những chỉ đạo về đổi mới dạy và học trong thời gian vừa qua theo hướng tăng cường năng lực tích hợp, vận dụng kiến thức; dạy học chú ý đến đối tượng HS. Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT Mai Văn Trinh, bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH-CĐ; điều kiện đủ để thí sinh được tuyển vào học được quy định tại đề án tuyển sinh riêng của từng trường ĐH-CĐ. Do đó thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương vẫn có cơ hội vào học ở các trường ĐH-CĐ này.
Riêng Bình Dương, thực hiện chủ trương trên của bộ, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã và đang có những bước chuyển mới, xây dựng những nội dung, giải pháp phù hợp song song với việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới. Đặc biệt, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, các trường cần giúp HS, đặc biệt HS cuối cấp THPT làm quen và thích nghi với những chủ trương mới này.
Việc tổ chức một kỳ thi quốc gia được coi là bước đột phá trong việc tổ chức thi và tuyển sinh. Hy vọng, sự đổi mới này sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu: giảm áp lực thi cử và đánh giá thực chất năng lực học tập của HS. Xã hội rất kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ này từ Bộ GD-ĐT.
DÂN THƯỜNG