Hơn nửa tháng qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động của các phương tiện thủy trên tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, ngã 3 sông Bé… kịp thời xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn đến tai nạn giao thông như: Phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; chở hàng quá tải vượt vạch mớn nước an toàn; người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; các bến đò ngang không bảo đảm an toàn; đồng thời kiên quyết đình chỉ người, phương tiện, bến thủy không bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định.
Hiện nay, toàn tỉnh có 20 bến đò ngang đã được cấp chứng chỉ chuyên môn và quy định về kỹ thuật, trang thiết bị an toàn; bước đầu, cácchủ phương tiện trên những tuyến sông này đều làm cam kết không chở quá tải, bảo đảm ATGT khi đưa khách, vận động người đi đò mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh... khi qua sông.
Ngành chức năng còn phối hợp với PC 46, PC 49 tập trung kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động: Khai thác cát, sỏi trái phép, sử dụng xung điện, thuốc độc, thuốc nổ đánh bắt thủy sản trên sông; mặt khác cũng đã phối hợp cùng Thanh tra giao thông, Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 10 tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động số tàu khách du lịch, tàu cao tốc, phương tiện vui chơi giải trí và hành lang nổi trên đường thủy. Đặc biệt, gần đây lãnh đạo tỉnh đã cùng các sở ngành, địa phương liên quan tổ chức đoàn khảo sát thực tế về công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên sông Sài Gòn. Suy cho cùng, tất cả những hoạt động trên là vô cùng cần thiết nhằm ngăn ngừa sự cố, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, gìn giữ cho sông nước bình yên.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 44 vụ TNGT đường thủy, làm chết 33 người và bị thương 8 người; làm chìm, hư hỏng 48 phương tiện, gây thiệt hại về tài sản khoảng 2,7 tỷ đồng và đã xảy ra 68 vụ đuối nước, làm chết 82 người. Để tránh những sự cố đau lòng này, mọi người cần phải nhắc nhau tuân thủ biện pháp tích cực để hạn chế, ngăn ngừa; bởi hậu quả của những vụ tai nạn thương tâm ấy đều xuất phát từ sự chủ quan của người tham gia giao thông lẫn chủ phương tiện tàu, thuyền. Nhìn lại sau hơn 7 năm thực hiện cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao” của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia và hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” của Ban ATGT tỉnh Bình Dương thì tình hình giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể; song vẫn không vì vậy mà chủ quan, khinh suất trong mùa mưa bão.
THANH NHÀN