Thông tin trên các phương tiện truyền thông những ngày qua cho biết, rau quả Việt Nam xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2014 đã đạt 1,2 tỷ USD. Dự kiến cả năm sẽ đạt 1,4 tỷ USD. Nhiều loại rau quả của Việt Nam “nối đuôi” nhau xuất vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… tất cả là những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là đối với nông dân Việt, đối tượng chịu thiệt nhiều nhất nếu như nông sản gặp khó!
Bài toán đầu ra cho nông sản Việt vẫn chưa có lời giải hữu hiệu sau bao năm tìm kiếm thị trường. Đã có một thời kỳ nông dân khấp khởi mừng với chủ trương đẩy mạnh sự kết hợp giữa “3 nhà”: Nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp, nhưng rồi nông sản vẫn loay hoay đi tìm đầu ra bởi nhiều khó khăn, chủ quan lẫn khách quan. Bởi vậy con số xuất khẩu rau quả 1,4 tỷ USD dự kiến trong cả năm 2014 có thể chỉ được xem là tín hiệu lạc quan chứ hoàn toàn chưa xứng tầm đối với một đất nước có tới hơn 80% dân số sống bằng nghề nông.
Tại hội thảo “Nông sản Việt Nam với công nghệ Nhật Bản” vừa được tổ chức cuối tuần qua với sự tham dự của các quan chức đầu ngành của cả hai nước và hơn 100 nhà doanh nghiệp đã chỉ ra rất rõ những khó khăn, bất lợi của nông sản Việt Nam hiện tại. Sự liên kết giữa nhà nông và các doanh nghiệp rất mong manh, “dễ vỡ”, chưa thực sự đặt lòng tin vào nhau trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nông dân Việt chưa thực sự được tiếp cận với kỹ thuật sản xuất một cách khoa học nhất. Minh chứng rõ ràng nhất được các đối tác Nhật Bản chỉ ra, đó là nông dân Việt Nam đa số không trả lời được họ sử dụng phân bón hóa học như thế nào, liều lượng thuốc bảo vệ thực vật ra sao, theo quy định nào…
Bên cạnh kỹ thuật canh tác, vấn đề bảo quản nông sản đối với nông dân Việt cũng quá khó khăn. Họ hoàn toàn trông chờ vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng không thực sự mạnh về hệ thống kho lạnh cũng như kỹ thuật bảo quản.
Đúc kết sau cùng đối với nông sản Việt đó là năng lực cạnh tranh yếu bởi có quá nhiều sự thiếu thốn mà không dễ để giải quyết một sớm, một chiều. Không thể giải quyết nhanh nhưng cũng không thể chấp nhận thua thiệt mãi. Khuyến cáo đã đưa ra, nhà quản lý cũng đã vào cuộc với quyết tâm cao, bên cạnh là các nhà doanh nghiệp giàu tâm huyết. Hy vọng nông sản Việt sẽ nâng dần chất lượng để đáp ứng được nhu cầu thị trường, để nông dân Việt được hưởng lợi nhiều hơn sau bao nắng mưa, vất vả!
CẢNH HƯỞNG
Cám ơn tác giả Cảnh Hường đã viết một bài rất hay, đầy nhiệt quyết cho nông dân mà tôi cũng có "gốc nông dân" nên rất thấm. Một lần nữa xin cảm ơn tác giả!