Ngược dòng lịch sử, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 khi đất nước còn chìm trong ách đô hộ của thực dân, phong kiến, có một phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đã đẩy mạnh công cuộc chấn hưng nội hóa. Khi đó, tinh thần và bản lĩnh của người Việt đã trỗi dậy mạnh mẽ mà tiêu biểu là doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932) với những thương hiệu nổi tiếng trong ngành vận tải hàng hải. Người Việt khi đó cũng dậy lên tinh thần dùng hàng Việt như là một hành động yêu nước.
Gần 100 năm sau, tinh thần ấy lại được khơi dậy và lan tỏa trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy mục tiêu, tính chất của phong trào ngày xưa và cuộc vận động hôm nay có khác nhau nhiều nhưng yếu tố cốt lõi của tinh thần Việt vẫn không thay đổi.
Khác nhau là bởi ngày nay Việt Nam đang hội sâu rộng với thế giới. Trong một sân chơi toàn cầu, các luật chơi và sự cạnh tranh đã làm thay đổi phương thức, các mối quan hệ sản xuất hay cung - cầu trên thị trường. Người Việt dùng hàng Việt nhưng vì vậy cũng không thể “bài trừ ngoại hóa” giống như phong trào ngày xưa. Tuy vậy, sau 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, đã tạo ra một phong trào sôi nổi, rộng khắp, thể hiện sức sống trường tồn của tinh thần Việt, bởi giá trị cốt lõi của nó vẫn còn nguyên vẹn: Dùng hàng Việt là một hành động yêu nước.
Tại Bình Dương, có thể nhận thấy hiệu quả rõ nét nhất từ cuộc vận động này là nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã nâng cao, trở thành ý thức tự thân của mỗi người khi đi mua sắm. Qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn hay các khu công nghiệp, thương hiệu sản phẩm Việt đã đến gần hơn với người dân vùng xa, công nhân lao động. Tiêu thụ hàng Việt đã trở thành một thói quen trong nếp nghĩ của các tầng lớp nhân dân. Các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá, đưa nhãn hàng trong nước đến với người tiêu dùng với chất lượng, mẫu mã, giá thành phù hợp. Qua đó, góp phần phát huy nội lực của nền kinh tế, góp phần cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp trong tỉnh không chỉ chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu tại các thị trường khó tính trên thế giới…
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi ưu tiên dùng hàng Việt, người Việt cũng không thể “bài trừ ngoại hóa”. Đây vừa là luật chơi trong bối cảnh đất nước hội nhập, vừa là quyền được lựa chọn những sản phẩm dịch vụ yêu thích, có chất lượng với giá thành phù hợp của từng đối tượng người tiêu dùng. Vì vậy, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam, việc tiếp tục đưa các sản phẩm hàng Việt vào trong siêu thị, trung tâm thương mại, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi có đông công nhân lao động… cũng phải tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Điều quan trọng hơn là bản thân các nhà sản xuất trong nước phải tái cấu trúc mạnh mẽ, tạo ra những sản phẩm hàng Việt có chất lượng, đẹp về mẫu mã với giá thành cạnh tranh nhất có thể, xây dựng được uy tín thương hiệu cho từng sản phẩm hàng Việt trong lòng người tiêu dùng. Có như vậy, hàng Việt, tinh thần Việt mới trở thành sức mạnh to lớn để đưa đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu.
THÀNH SƠN