Hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng rau mầm, anh Huỳnh Văn Khải (khu phố 6, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) đã xây dựng cho mình được trại trồng rau mầm có quy mô tương đối lớn. Thu nhập từ rau mầm đã cho anh có điều kiện lo cuộc sống gia đình đầy đủ hơn.
Người tiên phong
Anh Khải vốn quê gốc Bến Tre, nhưng cuộc sống nơi quê nhà khó khăn buộc anh phải đưa gia đình đến miền đất mới tìm kế sinh nhai. Năm 1998, anh đến Bình Dương với suy nghĩ trong đầu của một nông dân là phải xây dựng được mô hình nông nghiệp mới, hiệu quả cao. Anh thuê nhà vừa để ở vừa có thể tận dụng những khoảng trống để xây dựng các mô hình nuôi dế, trồng rau... Ban đầu anh chọn nuôi dế khi phong trào nuôi dế đang rất phát triển. Để có đủ rau cho dế ăn, anh phải ra chợ mua nhưng chính những bó rau đó lại lần lượt làm cho đàn dế của anh “lụi tàn”. Không chấp nhận khó khăn, anh nghĩ phải tự mình trồng rau cho dế ăn mới mong có hiệu quả. Có dịp đọc một bài báo viết về mô hình trồng rau mầm, anh thấy rằng trồng rau mầm nhẹ nhàng, có thu nhập cao, tạo ra các loại rau sạch cho thị trường, từ đó anh chọn rau mầm để làm nghề kiếm sống.
Anh Khải chăm sóc trại trồng rau mầm
Năm 2001, anh chính thức bắt tay vào việc xây dựng mô hình trồng rau mầm. Tuy nhiên, lúc này rất ít người biết cách trồng và người tiêu dùng cũng chưa quan tâm nhiều đến loại thực phẩm này. Là người tiên phong trồng rau mầm tại Bình Dương, khó khăn với anh Khải lúc này là có rất ít các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng rau mầm, chưa có người đi trước để anh học hỏi kinh nghiệm. Khó khăn là vậy nhưng anh vẫn tin tưởng về sự thành công nên quyết tâm xây dựng trại trồng rau mầm, chấp nhận thua lỗ bước đầu để “mua” kinh nghiệm cho riêng mình. Từ thiết kế trại, giá đỡ, khay trồng, hộp đựng, giấy gói… anh đều tự mày mò. Vốn quê xứ dừa, anh thấy xơ dừa cũng là giá thể rất tốt cho cây rau mầm phát triển nếu được xử lý đúng quy trình, anh về quê mua xơ dừa xay làm giá thể. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu anh mới cho ra loại giá thể chuẩn từ xơ dừa. Khi đã có giá thể chuẩn anh biết công việc trồng rau mầm của mình sẽ thành công vì đó là một trong những khâu khó nhất trong việc trồng rau mầm.
Đến hôm nay anh vẫn không thể quên được niềm vui khi lứa rau đầu tiên bắt đầu mọc lên. Anh cho biết, lứa đầu tiên rau mọc chưa đều, chưa đẹp và chưa có chất lượng do khâu chọn hạt giống chưa được chú trọng. “Nhưng lúc đó tôi rất vui vì biết trồng rau mầm chính là hướng đi đúng đắn và phù hợp với mình”, anh Khải tâm sự. Đến năm 2005, anh đã có sản phẩm đưa ra thị trường nhưng số lượng có hạn vì sức tiêu thụ chậm. Khi người tiêu dùng bắt đầu chú ý đến rau mầm, sản phẩm của anh dần dần tiêu thụ mạnh hơn.
Vẫn còn trăn trở
Theo anh Khải, loại hạt cho năng suất cao nhất là hạt cải thìa có nguồn gốc từ New Zealand, tuy nhiên loại hạt này phải nhập khẩu nên cũng gặp khá nhiều khó khăn để chọn giống. Anh cho biết thêm, trồng rau mầm không quá khó nếu chú ý quan sát tỉ mỉ quy trình. Đây là loại cây ngắn ngày, sau khi gieo hạt khoảng 5 ngày là cắt bán được, vì vậy không có đủ thời gian cho các loại sâu bệnh gây hại. Giá thể sau khi trồng xong đem đi xử lý ngay và thay bằng giá thể khác. Tuy nhiên rau mầm là loại cây rất mẫn cảm, nếu không chú ý, chỉ cần một cây hư hại là có thể lây lan sang hàng loạt cây khác, rất dễ dẫn đến “mất mùa”. Cây rau mầm chỉ mượn giá thể để sống và sống chủ yếu nhờ nước. Tuy nhiên nếu tưới quá nhiều nước và tưới trực tiếp lên cây rau thì sẽ bị hư hại.
Giai đoạn đầu tuy sức tiêu thụ của thị trường còn yếu nhưng anh không nản chí. Trái lại anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và thành lập cơ sở sản xuất rau Khải Yến để tiếp cận thị trường thuận lợi hơn. Đến năm 2007, sản phẩm rau mầm Khải Yến đã có đầu ra tương đối ổn định với số lượng 300 - 400 hộp/ngày. Hiện nay bình quân cơ sở của anh Khải cung cấp cho thị trường 800 - 1.000 hộp/ ngày, mỗi hộp có trọng lượng 150g. Cơ sở Khải Yến giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân hàng năm từ việc trồng rau mầm của anh Khải sau khi trừ hết chi phí còn khoảng 500 triệu đồng, giúp anh có điều kiện chăm lo cho cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.
Tuy quy trình sản xuất đã đúng chuẩn, sản phẩm bán được nhiều hơn nhưng anh Khải vẫn còn nhiều trăn trở. Anh cho biết: “Việc tiêu thụ rau mầm vẫn phải qua các thương lái chứ chưa thể trực tiếp đưa vào siêu thị hay các trung tâm thương mại. Qua tay thương lái tôi không được dán nhãn mác, lô gô, địa chỉ liên lạc của cơ sở. Vì vậy, tuy đã có nhãn hiệu nhưng cơ sở của tôi hầu như chưa được người tiêu dùng biết đến”. Anh Khải rất mong cơ quan hữu quan hỗ trợ để anh có điều kiện quảng bá sản phẩm của mình ra thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và có cơ sở pháp lý để đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại.
CAO SƠN