Luôn chủ động trong phòng chống dịch bệnh

Cập nhật: 27-08-2019 | 08:19:04

Ở Bình Dương, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra ở 990 cơ sở, hộ chăn nuôi tại 70 xã, phường, thị trấn của 9/9 huyện, thị trong tỉnh với tổng số heo chết và tiêu hủy hơn 60.700 con. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao trong công tác phòng chống, sau hơn 3 tháng, kể từ ngày phát hiện ổ bệnh dịch đầu tiên tại xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo) vào ngày 20- 5, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng Bình Dương đã cơ bản không chế được bệnh dịch tả heo châu Phi.

 Kể từ khi phát hiện dịch bệnh, với sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của tỉnh, các địa phương đã chủ động trong công tác phòng, chống để dập dịch và xử lý ngăn chặn đà lây lan. Song song đó, đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt mức hỗ trợ. Đến nay, tỉnh đã trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ cho cơ sở, hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi. Đồng thời, tỉnh cũng quy định mức hỗ trợ cho người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy...

Trong thời gian tới, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi cần phải luôn chủ động, khi có phát hiện bệnh dịch phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu với phương châm phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính. Các cơ sở, địa phương không đợi có dịch rồi mới chống. Mặc dù tỉnh đã cơ bản khống chế bệnh dịch, tuy nhiên theo ngành chức năng, khả năng phát tán, lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trong thời gian tới vẫn rất cao, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học, nếu không quan tâm và đề cao công tác phòng, chống.

Theo dự báo, giá thịt heo có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt trong 2 quý cuối năm, nguồn cung thịt heo sẽ giảm mạnh. Việc tái đàn, khôi phục lại chăn nuôi heo sau dịch là yêu cầu cần thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần phải hết sức thận trọng, bởi chúng ta không thể nào diệt hết được virus bệnh dịch tả heo châu Phi trong môi trường, nên biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để virus xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Vì vậy, người chăn nuôi cần cẩn trọng, không ồ ạt tái đàn sau dịch nếu chưa bảo đảm việc áp dụng theo quy trình an toàn sinh học. Đặc biệt không được chủ quan, mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ trước, sau đó nếu thấy ổn rồi mới mở rộng quy mô, bởi mặc dù các vùng dịch đã công bố hết dịch, nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu hành và vẫn có thể tái diễn bệnh dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

NHẬT HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1949
Quay lên trên