Có thể nói năm 2013 là một năm nhiều “sóng gió” với cả doanh nghiệp (DN) và người dân cả nước. Mặc dù khủng hoảng kinh tế đã đi qua đối với các nước trong khu vực, nhưng với Việt Nam thì năm qua khủng hoảng kinh tế mới thật sự “chạm đáy”, ảnh hưởng nghiêm trọng tới từng DN và “gõ cửa” từng nhà! Cùng với đó là thiên tai, bão lụt hoành hành cướp đi nhiều sinh mạng và tài sản của người dân. Do vậy, nhiều người đang kỳ vọng năm 2014 sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho cả người dân và DN.
Nếu kỳ vọng cơ hội sẽ mở ra mà không có cơ sở sẽ là ảo tưởng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam đã “chạm đáy” trong năm qua và bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại ở một số ngành hàng, địa phương. Cộng đồng DN tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với những DN còn trụ được thì cơ hội vượt qua khó khăn để phát triển trở lại đã đến rất gần. Bằng chứng là thị trường đã ấm lại vào những tháng cuối năm, đơn hàng xuất khẩu hàng hóa ngày càng nhiều hơn. Cùng với đó là các chính sách vĩ mô về điều hành thị trường, tiền tệ đã phát huy tác dụng và đem lại kết quả đáng mừng. Theo đó, lãi vay ngân hàng đã chững lại, tỷ giá được giữ vững đã và đang giúp DN khôi phục lại sản xuất, kinh doanh.
Khó khăn là vậy nhưng năm 2013 tăng trưởng GDP cả nước dự kiến vẫn đạt 5,4%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 năm 2011-2013 lên con số 5,6%/ năm, vẫn còn thấp hơn mức bình quân 7,2% của giai đoạn 2006-2010. Dự kiến, GDP năm 2014 của cả nước sẽ đạt con số 5,8% và năm 2015 là 6%. Riêng tại Bình Dương, mức tăng trưởng GDP trong năm qua vẫn đạt 12,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,4 tỷ USD… Tất cả những con số đó cho thấy nền kinh tế cả nước và địa phương đều đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trưởng trở lại. Theo đó, nhiều cơ hội làm ăn đang quay trở lại với DN, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và việc làm cho người dân.
Ngoài những khó khăn về kinh tế, trong năm qua thiên tai lụt bão tuy có cướp đi nhiều sinh mạng và tài sản của người dân, nhưng nếu so với một số nước trong khu vực thì Việt Nam vẫn nhẹ nhàng hơn. Tuy vậy, đây vẫn là bài học đắt giá để chúng ta có cái nhìn đầy đủ, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho việc phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại cho người dân trong những năm tới. Thiên tai khó lường nhưng “nhân tai” thì có thể tránh. Việc xả lũ tràn lan của các hồ đập thủy điện là hoàn toàn có thể khắc phục. Nếu chúng ta biết vận dụng các hồ đập trên vào việc điều tiết cắt lũ hợp lý hay chuyển những hồ đập không an toàn thành hồ cắt lũ thì chắc chắn thiệt hại về người và của sẽ giảm, người dân sẽ bớt vất vả vì “nhân tai”.
Thách thức tuy còn nhiều nhưng cơ hội mở ra là không ít. Nếu biết nắm bắt và vận dụng hợp lý để biến cơ hội thành hiện thực thì bức tranh kinh tế - xã hội năm 2014 chắc chắn sẽ sáng hơn.
LÊ QUANG