Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, bàn về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh, từ các vấn đề vĩ mô như tái cấu trúc nền kinh tế, nợ công, nợ xấu, đổi mới giao dục… cho đến những vấn đề dân sinh bức thiết mà cử tri quan tâm. Trong kỳ họp cuối năm quan trọng này, Quốc hội sẽ dành khoảng thời gian 2,5 ngày để đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ cũng như chất vấn các thành viên Chính phủ - những “tư lệnh ngành” đối với các vấn đề KT-XH đang được dư luận quan tâm. Đây cũng là một hoạt động quan trọng để đánh giá, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ nhằm nâng cao trách nhiệm, nói đi đôi với làm của các “tư lệnh ngành”.
Cùng với các buổi tiếp xúc cử tri, những ngày qua, theo dõi các buổi truyền hình trực tiếp về diễn biến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, cử tri cả nước đã nắm rõ nhiều nội dung về các vấn đề KT-XH, quốc phòng - an ninh. Bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt đạt được, bức tranh KT-XH của đất nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém này một mặt xuất phát từ những yếu tố khách quan, nhưng một mặt còn do trách nhiệm quản lý của những “tư lệnh ngành”. Điều đáng ghi nhận là trong các phiên họp vừa qua, đặc biệt là tại các phiên thảo luận về KT-XH tại hội trường được truyền hình trực tiếp, một số thành viên Chính phủ sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phân tích nêu ra một số hạn chế, tồn tại, mặc dù chưa đến phiên chất vấn, với tư cách là đại biểu tham dự kỳ họp, đã phát biểu, giải trình, phân tích sâu thêm các vấn đề, tạo ra không khí dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri. Đây cũng chính là một nét mới tích cực trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua, chứng tỏ phần nào được phương châm nói đi đôi với làm.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề KT-XH bức xúc đã được cử tri, đại biểu Quốc hội phản ánh, kiến nghị nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, kéo dài từ kỳ họp này sang kỳ họp khác, thậm chí là khóa trước đến khóa sau. Vì vậy, để những câu chuyện “biết rồi, nói mãi” không còn tồn tại, rất cần các “tư lệnh ngành” quán triệt tốt hơn nữa phương châm nói đi đôi với làm. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng của hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ để bảo đảm các vấn đề cử tri, đại biểu nêu ra được giải quyết xử lý rốt ráo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri cả nước.
ĐÀM THANH