Nguy cơ từ con nghiện tự do!

Cập nhật: 31-10-2014 | 08:22:51

Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), có hiệu lực từ ngày 1-1-2014, quy định đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc có nhiều điểm khó thực hiện. Trong khi đó, một số bộ ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Tư pháp chưa có văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục xác định người nghiện ma túy; biểu mẫu, trình tự đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, từ đó dẫn tới khó triển khai thực hiện.

Theo thống kê của các tỉnh, thành đến cuối tháng 9-2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Trung bình mỗi năm cả nước có thêm khoảng 7.000 người nghiện ma túy. Kể từ khi Luật Xử lý VPHC có hiệu lực, do vướng các quy định từ luật này nên số lượng người nghiện ma túy được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rất thấp. Trong 9 tháng đầu năm 2014, cả nước chỉ có 10 tỉnh, thành phố hoàn tất thủ tục đưa được 33 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Riêng tại Bình Dương, theo con số thống kê của 91 xã, phường, thị trấn hiện có khoảng 2.300 người nghiện ma túy; 60% trong số đó là người ngoài tỉnh, không có chỗ ở ổn định. Từ đầu năm đến nay, Bình Dương chưa đưa thêm được người nghiện ma túy nào vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc!

Những con số nêu trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ bất ổn xã hội từ những người nghiện ma túy đang tự do ngoài xã hội. Một khi người nghiện ma túy lên cơn không được kiểm soát, họ có thể gây ra nhiều chuyện khó lường từ trộm cắp, cướp của, giết người... Với số lượng người nghiện ma túy tăng nhanh qua từng năm, nếu không có biện pháp quản lý hoặc những chế tài cụ thể đối với những đối tượng này thì vấn đề trật tự an toàn xã hội có thể bị đảo lộn! Bên cạnh chữa bệnh phục hồi, giáo dục dạy nghề, cai nghiện bắt buộc còn là biện pháp hữu hiệu nhằm răn đe người nghiện ma túy. Do vậy, nhanh chóng tháo gỡ những điểm “vướng” trong quy định của Luật Xử lý VPHC bằng những văn bản dưới luật để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là việc cần làm ngay.

Trong gia đình, chỉ cần có một người nghiện ma túy là cả gia đình tan nát. Một địa phương có nhiều người nghiện ma túy chắc chắn nơi đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tình hình trật tự xã hội bởi vấn nạn trộm cắp, giựt dọc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lương thiện. Do vậy, việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bên cạnh để kiểm soát, còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Đó là chưa kể đến việc hàng loạt cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì số người nghiện ma túy đang cai nghiện bắt buộc đến thời hạn ra trại đã cận kề, trong khi không thể đưa thêm người nghiện ma túy nào vào chỉ vì vướng quy định!

Trong khi chờ tháo gỡ các điểm “vướng” trong quy định của Luật Xử lý VPHC, các bộ ngành Trung ương cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn hoặc cơ chế đặc thù, linh hoạt để các địa phương thực hiện việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tránh tình trạng các con nghiện nguy hiểm tự do hoành hành gây bất ổn xã hội.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1033
Quay lên trên