Diện mạo đô thị Bình Dương đã có sự thay đổi rõ rệt với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tạo nên bộ mặt khang trang của đô thị và đem lại sự tiện ích cho người dân. Song, do tỉnh đang có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng ngập cục bộ, ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp tăng cường quản lý, phát triển đô thị phù hợp với tình hình phát triển KT-XH trong từng giai đoạn.
TP.Tân Uyên đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn
Sử dụng hiệu quả công trình công cộng
Xác định kết cấu hạ tầng phát triển là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, những năm qua, TP.Tân Uyên tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị nhanh chóng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Thành phố hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật từ 80-100%. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố khu vực nội thị chiếm 100%, đạt diện tích sàn bình quân là 26,55m2/người. Hệ thống các công trình công cộng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, nhà ga, kho bãi.
Tuy nhiên, là địa phương đang có tốc độ đô thị hóa cao, TP.Tân Uyên cũng không tránh khỏi tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường… nhất là đối với những vị trí mật độ dân cư tập trung đông. Hiện mật độ đường chính trong khu vực nội thị đạt 7,5km/km2. Chỉ tiêu cấp nước sạch sinh hoạt đạt 150 lít/ người/ngày đêm. Mạng lưới viễn thông hoạt động tốt, thuê bao internet băng thông rộng đạt bình quân 21,9 máy/100 dân. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt 98,72%. Chỉ tiêu đất cây xanh đô thị đạt 8m2/người. Khu vực phường Thái Hòa có trạm xử lý nước thải tổng công suất 25.000m3/ ngày, diện tích 7,3 ha, xử lý nước thải 1 phần khu vực Thái Hòa, 1 phần Tân Phước Khánh, 1 phần khu vực TP.Dĩ An, 1 phần khu vực TP.Thuận An với khoảng trên 6.000 hộ dân cùng 219 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhằm giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra, thời gian qua, TP.Tân Uyên tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương lân cận (TP. Dĩ An, TP.Thuận An) kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp thải nước thải vào Suối Cầu. Đây là con suối cạn tiếp nhận nước thải của 12 doanh nghiệp trên địa bàn phường An Phú, TP.Thuận An và phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên với lưu lượng khoảng 200 m3/ngày, cùng với đó là nước thải sinh hoạt từ khu vực chợ An Phú, hơn 4.000 nhà trọ và các hộ dân quanh khu vực với tổng lưu lượng khoảng 11.500m3/ngày. Sau khi kiểm tra, xử lý, tất cả các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc đấu nối về Nhà máy Xử lý nước thải TP.Tân Uyên. Hiện nay, qua rà soát cho thấy vấn đề ô nhiễm nước thải công nghiệp cơ bản được kiểm soát.
Theo ông Trần Văn Biên, ngụ tại phường Thái Hòa, TP.Tân Uyên, để sử dụng có hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị do Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn, hiện người dân luôn tích cực trong xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, tham gia vệ sinh môi trường, tích cực hưởng ứng các mô hình biến bãi rác thành vườn hoa, phân loại rác tại nguồn… Để xây dựng khu đô thị ngày càng khang trang, người dân cũng mong tỉnh và địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa việc di dời những cơ sở chăn nuôi, cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống tiêu thoát nước ở khu vực đô thị trên địa bàn.
Hướng đến đồng bộ với quy hoạch phát triển
Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết thành phố đang tập trung huy động mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội phục vụ cho việc nâng cấp TP.Tân Uyên theo tiêu chí đô thị loại II. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, UBND tỉnh cũng đã thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải cho TP.Tân Uyên với công suất giai đoạn 1 là 20.000m3/ngày đêm, bao gồm cải tạo kênh hở thoát nước cho tuyến hạ lưu suối Cầu Tre với chiều dài tuyến khoảng 1,2km từ phía Nam đường ĐT746 đến đường ĐT747 để bảo đảm tiếp nhận được nước thải sau xử lý và tiêu thoát nước mưa cho lưu vực hiện hữu.
Để hỗ trợ TP.Tân Uyên nâng cấp đô thị theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã triển khai lập thủ tục đầu tư, đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng một số công trình trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển KT-XH trên địa bàn thành phố, như: Nạo vét, gia cố Suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai; xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2), đường Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; chỉnh trang, hình thành một số công trình kiến trúc tiêu biểu, các không gian công cộng đô thị tạo điểm nhấn dọc các tuyến đường huyết mạch đoạn qua địa bàn; xem xét đóng cửa các nghĩa trang, nghĩa địa ngoài khu vực quy hoạch theo lộ trình để tạo quỹ đất phát triển các công trình công cộng…
NGỌC THANH - HOÀNG PHONG