Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương nên thời gian gần đây đồng lương của nhà giáo đã được cải thiện. Nhưng phải nhìn nhận rằng hiện cuộc sống của nhiều người thầy, người cô vẫn còn chật vật, nhất là giáo viên ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và giáo viên bậc mầm non, tiểu học… Mặc dù vậy, xã hội vẫn ngày càng có thêm nhiều những gia đình có 3, 4 thế hệ tiếp nối nghề dạy học; có những người thầy, người cô theo nghề “đưa đò” trên 30 năm với đủ thứ ngọt, bùi, cay, đắng đã nếm trải, khi sắp đến tuổi nghỉ hưu vẫn ước nguyện: “Nếu được sinh ra một lần nữa tôi vẫn chọn nghề giáo”…
Sâu sát, đồng hành và chia sẻ với ngành giáo dục, những năm gần đây, để cuộc sống của nhà giáo tiếp tục được cải thiện, bớt khó khăn hơn, giúp họ an tâm gắn bó với phấn trắng, bảng đen, với trách nhiệm cao cả truyền tải tri thức đến bao lớp đàn em, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi cho đội ngũ những người hoạt động trong ngành giáo dục như chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo có đủ 5 năm giảng dạy, giáo dục… cùng nhiều chế độ phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi khác. Nhiều địa phương thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đã xây dựng được nhà công vụ cho giáo viên an tâm công tác; nhiều thầy cô giáo đã được tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để đi học tập, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, được tiếp cận với công nghệ giảng dạy hiện đại…
Mới đây, ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/ TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết đã có những chỉ đạo về những chế độ, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo trong thời gian tới như: Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Bên cạnh đó là khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ giảng viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...
Người thầy phải vừa là người có đạo đức tốt, có tâm trong sáng nhưng đồng thời phải là người có tài năng, có khả năng truyền đạt tri thức một cách tốt nhất cho con người. Song hành với sự nể trọng, yêu quý, nhà giáo cũng phải chịu nhiều áp lực trước yêu cầu cao của xã hội. Để góp phần nâng chất đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới trước tình hình mới, thiết nghĩ cần có thêm những chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người thầy như tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) vừa nêu. Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương đã, đang và sẽ có thêm những quyết sách, những hoạt động cụ thể để góp phần nâng cao đời sống của nhà giáo, tạo thêm điều kiện để họ vững vàng, tự tin đi tiếp con đường, nghề nghiệp đã chọn, âm thầm làm những “Con đò mộc - mái đầu sương/Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày/Khúc sông ấy vẫn còn đây/Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...”.
DÂN THƯỜNG