Hoạt động săn bắt chim hoang dã (CHD) bằng hình thức giăng lưới tại khu vực đê sông Sài Gòn (đoạn qua TX.Bến Cát) không chỉ đe dọa đến đa dạng sinh học mà còn gây ảnh hưởng đến hoạt động gây nuôi chim yến của người dân. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã tăng cường nhiều giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng trên.
Cánh đồng lúa gần nhà nuôi chim yến ở xã An Tây không còn tình trạng giăng bẫy bắt chim
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Trước đây, báo Bình Dương đã có bài viết phản ánh tình trạng săn bắt CHD bằng hình thức giăng bẫy lưới tại khu vực xã Phú An và An Tây, TX.Bến Cát. Theo đó, một số người dân sử dụng các loại lưới mờ, lưới bén để giăng bẫy chim trên những cánh đồng, bãi đất trống dọc đê bao sông Sài Gòn. Khi lưới được giăng, các nhóm người này thường dùng loa phát tiếng kêu, hoặc dùng chim mồi để dụ chim đến. Hoạt động săn bắt bằng hình thức trên không chỉ tận diệt CHD mà còn khiến không ít chim yến sa lưới, gây thiệt hại kinh tế cho những hộ nuôi chim yến tại đây.
Qua trao đổi với P.V, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết đơn vị đã phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền các quy định về việc bảo vệ động vật, CHD và các hành vi cấm trong đánh bắt thủy sản. Thông qua hội nghị chuyên đề, đơn vị hướng dẫn, yêu cầu các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nói chung và CHD nói riêng. |
Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt trái phép CHD. Trung tá Hoàng Văn Thành, Trưởng Công an xã An Tây, cho biết ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Công an xã đã tổ chức tuần tra, kiểm tra tại những khu vực có hoạt động giăng lưới bẫy CHD. Qua đó, Công an xã đã yêu cầu nhiều trường hợp thu gom lưới, viết cam kết không săn bắt CHD dưới mọi hình thức.
Trung tá Hướng Công Nhựt, Trưởng Công an xã Phú An, cho biết các đối tượng giăng bẫy CHD trên địa bàn thường là người từ địa phương khác đến và không nhận thức được hành vi này là vi phạm pháp luật. Công an xã đã tuyên truyền, vận động những trường hợp này không săn bắt CHD; đồng thời yêu cầu tiêu hủy số lưới dùng giăng bẫy chim trái phép. “Thời gian tới, Công an xã Phú An tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kết hợp tuần tra khu vực đê bao sông Sài Gòn để phòng ngừa, xử lý kịp thời những trường hợp săn bắt CHD trái phép, không để ảnh hưởng, gây thiệt hại đến hoạt động nuôi chim yến tại địa phương”, Trung tá Hướng Công Nhựt cho biết.
Vào ngày 6-7, P.V Báo Bình Dương đã đi dọc đê bao sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ông Cộ đến ấp Bưng Còng, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng để ghi nhận hoạt động săn bắt CHD. Dọc theo đoạn đê bao này hiện có nhiều cánh đồng cỏ và một số ruộng lúa của người dân đang thu hoạch nên thu hút rất nhiều loài CHD đến kiếm ăn, trong đó có cả chim yến từ những nhà yến của người dân. Sau khi đi vòng quanh nhiều cánh đồng, bãi đất trống ở ấp An Thuận (xã Phú An), An Thành, Lồ Ồ (xã An Tây), P.V không thấy trường hợp nào giăng lưới bắt CHD. Theo người dân ở ấp An Thành, từ khi lực lượng chức năng ra quân xử lý hoạt động săn bắt CHD thì tình trạng giăng lưới, dùng loa dẫn dụ để bắt chim yến không còn xảy ra.
Lực lượng chức năng xã Phú An yêu cầu người dân thu gom lưới giăng bẫy chim trái phép
Đẩy mạnh hoạt động truyền thông
Nhằm chấn chỉnh hoạt động săn bắt tận diệt CHD, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 12-6-2023 về việc tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, động vật hoang dã và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm trên địa bàn tỉnh Bình Dương (gọi tắt là Chỉ thị số 12). Chỉ thị số 12 nêu rõ, hiện nay tình trạng săn, bẫy, bắt và mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài CHD vẫn còn diễn ra phổ biến trên địa bàn; ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân còn hạn chế, làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.
Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 12. Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo đơn vị phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh triển khai thực hiện các nội dung trong Chỉ thị số 12. Ngoài ra, đơn vị và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh còn triển khai kế hoạch phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo tồn các loài CHD, di cư trên địa bàn.
Theo đó, lực lượng chức năng đã rà soát, lập danh sách các nhà hàng, cơ sở kinh doanh chim cảnh, quán nhậu… trên các tuyến đường, khu vực trọng điểm để tập trung kiểm tra. Song song với công tác kiểm tra, các đơn vị chức năng còn tổ chức cho nhà hàng, cơ sở kinh doanh ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày động vật hoang dã và các loài chim hoang dã không bảo đảm nguồn gốc hợp pháp.
Lực lượng kiểm lâm tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan nắm tình hình, tăng cường trinh sát địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nói chung và CHD nói riêng. Sau thời gian thực hiện quyết liệt kế hoạch trên, lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính 15 vụ về hành vi tàng trữ, mua bán động vật hoang dã, với tổng số tiền 46,5 triệu đồng...
Ngày 30-6, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Công điện hỏa tốc số 595/CĐ-TTg về việc tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng săn bắt trái phép, quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt chim yến trái phép. Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ CHD, trong đó có chim yến. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn bắt chim yến trái phép. Trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, tiêu thụ chim yến; kịp thời tố giác những hành vi săn bắt chim yến trái phép. Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, tháo dỡ, thu hồi các phương tiện bẫy, bắt trái phép chim yến; tổ chức triệt phá các tụ điểm buôn bán các loài CHD, chim yến trái phép trên địa bàn. |
NGUYỄN HẬU