Ngăn ngừa rủi ro cho người lao động

Cập nhật: 11-05-2019 | 08:18:25

Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (gọi tắt là ATVSLĐ) năm 2019 hướng đến mục tiêu làm giảm nguy cơ rủi ro vì sự an toàn của người lao động. Việc phát động Tháng hành động ATVSLĐ là cần thiết để thúc đẩy người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc, người lao động tự giác nâng cao ý thức nhằm hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; hướng đến việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Lao động là hoạt động quan trọng nhằm tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần cho xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả là yếu tố quyết định sự phát triển của mọi hình thái xã hội. Điều này không thể tách rời với cách thức lao động an toàn và môi trường lao động trong lành. Chính vì lẽ đó, pháp luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của các mối quan hệ trong sản xuất, trong đó có quyền và trách nhiệm về ATVSLĐ nhằm bảo vệ con người, bảo vệ nguồn nhân lực - chủ thể và động lực của mọi hoạt động xã hội. Vì vậy, việc chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật về ATVSLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động cần được quan tâm, thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả.

ATVSLĐ tuy đã được pháp luật quy định chi tiết, nhưng qua kiểm tra của ngành chức năng, tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro đối với người lao động. Những nguy cơ có thể điểm mặt, kể tên là điều kiện làm việc chưa bảo đảm, người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu kỹ năng, kiến thức trong việc đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro... Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm, để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và xã hội. Vì vậy, chủ đề của tháng hành động năm nay được lựa chọn hướng đến mục tiêu cụ thể là đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc, nhằm hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đánh giá đúng các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc sẽ là cơ sở để doanh nghiệp đề ra các giải pháp quản lý rủi ro, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động và các bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra với người lao động. Môi trường làm việc an toàn, trong lành sẽ giúp người lao động tránh được thương vong do tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Nói cách khác, một khi doanh nghiệp tạo dựng được môi trường làm việc an toàn thì người lao động sẽ không nhảy việc, từ đó giúp doanh nghiệp “giữ chân” người lao động. Đây là yếu tố góp phần tạo ra mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động để gia tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để các hoạt động trong Tháng hành động ATVSLĐ đi vào thực tế và trở thành hoạt động thường xuyên tại doanh nghiệp, bên cạnh sự phối hợp từ các cơ quan chức năng, quan trọng vẫn là người sử dụng lao động. Cùng với môi trường làm việc an toàn, doanh nghiệp cần tăng cường huấn luyện, tuyên truyền và cả chế tài xử phạt những người lao động làm ẩu, làm bừa bất chấp hậu quả. Có như vậy pháp luật ATVSLĐ mới được người lao động thực thi nghiêm túc.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=454
Quay lên trên