“Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập”, đó là chủ đề năm 2020 mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) đã lựa chọn nhằm tôn vinh sự đa dạng của bảo tàng cùng cán bộ chuyên môn làm việc tại bảo tàng.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh đón tiếp khách tham quan là đại biểu tham dự Hội nghị WTA tổ chức tại Bình Dương năm 2018, tham quan di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi.Ảnh: ĐỖ THỊ THANH
Nằm trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Bình Dương là bảo tàng khảo cứu địa phương, nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật… về lịch sử hình thành và phát triển của Bình Dương trên các lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội từ thời kỳ tiền sơ sử trên đất Bình Dương cho đến ngày nay. Nội dung trưng bày được bố cục thành 8 chuyên đề: Lịch sử tự nhiên Bình Dương; Bình Dương thời tiền sử đến thế kỷ thứ XVI; Bình Dương thời kỳ khai phá lập làng và địa lý hành chính qua các thời kỳ; Cộng đồng văn hóa các dân tộc; Bình Dương trong thời thuộc Pháp, kháng Pháp; Bình Dương trong thời kỳ chống Mỹ; Bình Dương trên đường hội nhập và phát triển; Ngành nghề truyền thống ở tỉnh Bình Dương. Qua đó, bảo tàng giáo dục khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình và tình đoàn kết giữa các dân tộc trên thế giới.
Bảo tàng Bình Dương hiện đang lưu giữ và trưng bày 18.000 hiện vật; quản lý 60 di tích được xếp hạng (13 di tích cấp Quốc gia và 47 di tích cấp tỉnh); 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Đờn ca tài tử Nam bộ; 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Hàng năm, Bảo tàng và các di tích đón tiếp khoảng 150.000 lượt khách đến tham quan. Số lượng khách liên tục tăng lên trong những năm gần đây, cho thấy Bảo tàng tỉnh Bình Dương là một trong những địa chỉ văn hóa có sức thu hút cao, được sự tín nhiệm của khách tham quan.
Trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh Bình Dương tiến hành đẩy mạnh các khâu công tác của bảo tàng nhằm tạo sự bình đẳng trong công tác tôn vinh giá trị di sản và bình đẳng trong công tác phục vụ khách tham quan (trong nước và quốc tế), đa dạng hóa trong các khâu công tác, đặc biệt là công tác trưng bày tuyên truyền trên tinh thần đa dạng và hội nhập.
Trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng thực hiện nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hình ảnh và tiến hành lập hồ sơ xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với nghề gốm ở Bình Dương, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà và lễ hội Kỳ yên của đình Tân An; lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích nhà cổ ông Dương Văn Hổ (TX.Tân Uyên).
Bên cạnh việc số hóa tất cả các hiện vật đang lưu giữ ở kho cơ sở, Bảo tàng tiến hành tổng kết 2 đề án: Đề án đờn ca tài tử giai đoạn 2016-2020 và Đề án bảo tồn di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; làm thủ tục đề nghị cấp quyền sử dụng đất cho 60 di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng tượng đài lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ (xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên).
Phát biểu về chủ đề của năm 2020 “Bảo tàng vì sự bình đẳng: Đa dạng và hòa nhập”, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết khách đến tham quan bảo tàng và di tích trên địa bàn tỉnh gồm đủ thành phần. Vì vậy, bảo tàng cố gắng nỗ lực nâng cao chất lượng trưng bày, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy một cách tốt nhất các giá trị di sản văn hóa của tỉnh nhà.
Các hoạt động trong năm 2020 của Bảo tàng tỉnh Bình Dương với mong muốn tạo sự bình đẳng trong quá trình thực hiện chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng, mở rộng kết nối giữa bảo tàng đối với khách tham quan, khuyến khích khách tham quan tìm hiểu các giá trị di tích, lịch sử, văn hóa thông qua nhiều hình thức. Tăng cường sự tương tác cho khách tham quan thông qua việc đa dạng hóa công tác truyên truyền, giáo dục của bảo tàng.
HỒ MINH THIỆN (Bảo tàng tỉnh Bình Dương)