Họ là những công nhân xa quê vào Bình Dương lập nghiệp. Tuổi đời, nghề nghiệp, giọng nói khác nhau nhưng họ luôn có chung những nghĩa cử cao đẹp, san sẻ, giúp đỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn…
Bình Dương có hơn 850.000 lao động (LĐ) đang làm việc ở các doanh nghiệp, trong đó có hơn 80% công nhân LĐ ngoài tỉnh. Do điều kiện xa nhà nên hầu hết công nhân phải tự thuê mướn nhà trọ để tạm trú.
Có lần, đến một khu nhà trọ ở TX.Dĩ An nghe câu chuyện của nhóm công nhân này, chúng tôi cảm phục và trân trọng về cách làm của họ. Nhóm công nhân nữ có 5 người quê ở Quảng Nam vào Bình Dương làm công nhân may ở một công ty. Họ xuất phát từ những cô gái đồng ruộng nên suốt ngày chỉ biết lo công việc. Họ vào đây cùng thuê phòng sống chung, cùng làm một công ty nhưng do điều kiện khó khăn cả nhóm chỉ có duy nhất một chiếc xe đạp để làm phương tiện đi lại. Trước những khó khăn, họ bàn tính và đưa ra điều kiện hàng tháng, mỗi chị trích một ít lương giúp cho người bạn mượn để mua xe máy dùng phương tiện đi lại. Sau khi người thứ nhất đủ tiền mua xe thì tiếp tục họ góp lại để mua xe cho người tiếp theo và cứ thế xoay vòng. Với cách làm như vậy, qua một thời gian, 4 chị trong tất cả 5 chị em cùng phòng đều mua được xe gắn máy để thuận tiện cho việc đi lại. Khi nghe câu chuyện của nhóm nữ công nhân nhiều người đều cảm phục bởi họ có tình yêu thương và biết cách suy nghĩ.
Dịp Tết Nguyên đán 2014 vừa qua, cả một dãy phòng trọ ở TP.Thủ Dầu Một chung tiền mua bánh mứt về tổ chức tiệc tất niên. Cái chiếu nhỏ trải ra giữa đường đi, người đàn, kẻ hát, thi nhau nói cười… nghe sao mà gần gũi, thân thuộc. Cũng chính từ những lần tụ họp đó, anh chị em tại dãy nhà trọ ấy hiểu nhau hơn. Chị Tám, ở một dãy phòng trọ tại TX.Thuận An cảm động: “Một hôm tôi bị ốm, không dám điện thoại về nhà vì sợ gia đình lo lắng. Hiểu được suy nghĩ đó nên những người chung xóm trọ chẳng ai bảo ai, người thì mua thuốc, kẻ nấu cháo… để chăm lo cho tôi. Vậy đấy, xóm trọ thường là nơi quy tụ của những người xa quê và chữ tình giữa những người “tha phương cầu thực” với nhau là rất quan trọng”.
Tại phường An Bình, TX.Dĩ An, hình ảnh của hai thanh niên công nhân Lã Hồng Thịnh và Giáp Văn Khoa ở tỉnh Bắc Giang, tạm trú tại địa phương có tinh thần tấn công tội phạm để bảo vệ tài sản cho mọi người xung quanh được mọi người cảm phục. Khoảng mấy năm trước, trong đêm khuya vắng nhưng anh Khoa và Thịnh vẫn kiên quyết đuổi theo để bắt tên trộm. Khi nghe kể, chúng tôi rất khâm phục hành động của hai anh công nhân không ngại khó, nguy hiểm. Trong lúc truy đuổi dù trời tối nhưng anh Khoa và Thịnh vẫn không ngại hiểm nguy trong khi kẻ trộm đã thủ sẵn trong người một khúc cây gỗ để sẵn sàng chống trả. Dù vậy nhưng hai anh vẫn kiên quyết đuổi theo gần 2km để bắt được tên trộm và giao công an xử lý.
Họ là những công nhân có bản lĩnh, biết sống vì mọi người, có tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm. Công nhân sống xa nhà không chỉ giúp nhau lúc đau ốm, hoạn nạn mà họ còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Trong những đợt thiên tai, bão lũ, hình ảnh công nhân tại các khu công nghiệp xếp hàng, trích một phần thu nhập từ ngày công của mình để đóng góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo” giúp đỡ những gia đình bị thiên tai, những người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội… Việc làm đó đã thực sự có sức thuyết phục đối với các tầng lớp nhân dân, nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, thể hiện tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng và biểu dương.
Công nhân ngày nay luôn ra sức LĐ để đóng góp cho xã hội phát triển. Họ luôn có tấm lòng cao đẹp và sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Xa gia đình, xa quê hương là điều không ai muốn nhưng ở những nơi đất khách quê người, công nhân xa quê luôn bảo bọc, che chở cho nhau thì những nỗi buồn sẽ vơi đi.
TƯỜNG VY