Cùng với công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD), Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh cùng các ngành chức năng còn tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ ĐVHD. Qua đó, nhiều người dân đã tự nguyện giao nộp động vật quý hiếm cho cơ quan chức năng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Ớ, Chi cục phó CCKL tỉnh, cho biết nhằm quản lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học các loài vật rừng tự nhiên, quý hiếm, chi cục chủ động phối hợp với lực lượng công an các địa phương và các lực lượng chức năng khác tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ĐVHD và sản phẩm của chúng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, CCKL tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD. Nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà ý thức bảo vệ ĐVHD trong nhân dân ngày càng nâng cao, đặc biệt một số người dân còn tự nguyện đến cơ quan chức năng giao nộp ĐVHD.
Người dân giao nộp cá thể cu li cho cơ quan chức năng
Điển hình như ông Nguyễn Bình Minh (ngụ phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) đã làm đơn và liên hệ với chi cục để giao nộp một cá thể đồi mồi nặng 5kg thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Sau khi tiếp nhận, CCKL tỉnh đã lập thủ tục chuyển giao cá thể đồi mồi trên cho Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (WAR) ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng để cứu hộ và chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau thời gian được WAR chăm sóc, cá thể đồi mồi trên đã khỏe mạnh và đủ điều kiện để thả về cư trú tự nhiên. Sau đó, CCKL tỉnh đã liên hệ với Vườn Quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) để chuyển giao và phối hợp thả cá thể đồi mồi về nơi cư trú tự nhiên.
Tương tự, sau khi phát hiện một con cu li nhỏ, nặng 0,25kg “đi lạc” vào nhà mình, ông Võ Sỉ Quốc (ngụ TX.Tân Uyên) đã giữ lại. Sau khi tìm hiểu thông tin và biết cu li nhỏ là động vật quý hiếm, ông Quốc đã trình báo cơ quan chức năng. Nhận được thông tin, CCKL tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiếp nhận con cu li nhỏ trên. Do không có chuồng trại chuyên dụng và bác sĩ thú y chuyên trách để chăm sóc, nuôi dưỡng nên chi cục đã tạm gửi con cu li nhỏ này cho WAR chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi tình trạng sức khỏe bình thường rồi sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan tổ chức thả về nơi cư trú tự nhiên theo đúng quy định.
Gần đây, sau quá trình vận động của cơ quan kiểm lâm và cơ quan chức năng, ông Nguyễn S. (ngụ phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) đã đồng ý bàn giao 2 cá thể gấu ngựa cho Trung tâm Bảo tồn ĐVHD Nước Việt (FOUR PAWS Viet) để đưa về chăm sóc tại Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Hai cá thể gấu này được ông S. nuôi làm cảnh từ năm 2004 đến nay. Theo CCKL tỉnh, hiện Bình Dương còn hơn 80 cá thể gấu tại 12 cơ sở nuôi trong tỉnh. Trong thời gian tới, đơn vị này cùng các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực vận động người dân tự nguyện bàn giao gấu về các trung tâm cứu hộ, bảo tồn để chúng có điều kiện được chăm sóc tốt hơn.
Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năm 2018, cả nước có gần 1.700 trường hợp vi phạm liên quan đến ĐVHD dưới nhiều hình thức. Trong đó, việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài ĐVHD và các sản phẩm, bộ phận ĐVHD là hành vi vi phạm phổ biến nhất, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm. Không chỉ bày bán và quảng cáo nhiều loài, sản phẩm ĐVHD ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng còn sử dụng internet để thực hiện hành vi buôn bán ĐVHD. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ENV đã ghi nhận gần 800 vụ vi phạm pháp luật về ĐVHD trên internet với hơn 1.200 đường dẫn có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, thông qua đường dây “nóng” 1800-1522, Phòng Bảo vệ ĐVHD của ENV đã tiếp nhận gần 820 cuộc gọi liên quan đến ĐVHD được người dân thông báo, trong đó có 65,5% số thông tin được xử lý kịp thời. Nhờ đó đã có hơn 520 cá thể ĐVHD được giải cứu thành công, tăng hơn 15% so với năm trước.
Riêng tại địa bàn tỉnh Bình Dương, nhờ tin báo của người dân thông qua ENV, CCKL tỉnh phối hợp với UBND phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một đã kịp thời “giải cứu” một cá thể rùa răng (Càng đước) bị ông Nguyễn Văn Th. (34 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp) bày bán trên đường Bạch Đằng. Với hành vi trên, ông Th. bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt hành chính và tịch thu cá thể rùa răng nói trên để thả về tự nhiên.
NGUYỄN HẬU