Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 sau một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện tại, dịch bệnh ở nước ta đã cơ bản được khống chế. Một vấn đề quan trọng đặt ra trong giai đoạn được xem là “hậu Covid-19”: Tìm giải pháp và thực hiện các giải pháp để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ kép nhằm phục hồi sự tăng trưởng kinh tế…
Ở tầm vĩ mô, một số giải pháp gần đây của Chính phủ về miễn giảm, tạm hoãn các loại thuế, phí, lãi suất ngân hàng, bảo hiểm xã hội là rất cần thiết, giúp các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ổn định sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Về phía DN, cần tiếp tục khai thông sản xuất, mở rộng quy mô, xúc tiến giới thiệu quảng bá sản phẩm trong nước ra thị trường bên ngoài, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa với các chính sách khuyến mại, giảm giá; bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh trên thế giới có thể còn kéo dài.
Đến nay, nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất từ thị trường một số nước đang ngày càng ổn định do dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát khá tốt. Sau dịch bệnh, khi các thị trường dần phục hồi cũng là thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao so với thời điểm dịch bệnh. Do vậy, việc nước ta kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ mang lại lợi thế cho các DN so với các quốc gia khác khi có thể sớm khôi phục sản xuất, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm phát triển thị trường mới. Trong khi đó, các địa phương quan tâm hỗ trợ DN chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối, ngân hàng với DN; phục hồi chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu bị đứt gãy…
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường. Để làm được điều này đòi hỏi các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN xuất khẩu, liên kết chuỗi giá trị sản xuất… Từ đó khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường xuất khẩu giai đoạn “hậu Covid-19”.
NHẬT HUY