Nới lỏng giãn cách, kiểm soát chặt nguồn lây

Cập nhật: 12-10-2021 | 08:24:53

Sáng 11-10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức họp sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội. Chủ trì cuộc họp có các ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Theo Ban Chỉ đạo, sau hơn 20 ngày nới lỏng giãn cách, toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây; số ca mắc mới giảm, F0 xuất viện ngày càng nhiều.

Các ổ dịch ngoài cộng đồng đã được kiểm soát

Trên tinh thần nới lỏng giãn cách nhưng triển khai thận trọng, từng bước, bám sát thực tiễn áp dụng biện pháp “ở mức cao hơn”, “sớm hơn” và không chậm hơn, giai đoạn từ ngày 20-9 và từ ngày 1-10, tỉnh điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nới lỏng giãn cách theo lộ trình. Sau hơn 20 ngày nới lỏng giãn cách, toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong kiểm soát, ngăn chặn nguồn lây, số ca mắc mới giảm, F0 xuất viện ngày càng nhiều. Cụ thể, chỉ trong 7 ngày (từ ngày 4 đến ngày 10-10) số F0 phát hiện trong cộng đồng giảm 39%, các ổ dịch ngoài cộng đồng đã kiểm soát, số ca mắc mới chủ yếu phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly chiếm tỷ lệ đa số (93,4% tổng số ca nhiễm được phát hiện). Hiện toàn tỉnh có hơn 2.888.000 người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có hơn 2.273.000 người tiêm mũi 1 và hơn 614.000 người tiêm mũi 2.

Ông Nguyễn Hoàng Thao (thứ 3 từ phải sang), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một dự lễ công bố thành lập Trạm Y tế lưu động Khu công nghiệp Đồng An 2. Ảnh: NGỌC THANH

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh đề xuất, Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, tỷ lệ mắc Covid-19 chiếm hơn 10% dân số, tỷ lệ bao phủ vắc xin hầu như phủ trọn toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng. Trong giai đoạn mới, tỉnh cần xóa bỏ các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà theo cấp xã, phường. Với các bệnh viện, cần tách đôi 2 lối đi riêng biệt cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và không nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, hiện tỉnh đang hoàn thiện hệ thống y tế lưu động, tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng với hơn 95% người dân trong độ tuổi tiêm mũi 1 và hơn 20% dân số tiêm mũi 2. Đây là những điều kiện để tỉnh tự tin bước vào giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi sản xuất.

Người nghi nhiễm cần phải được xét nghiệm khẳng định PCR ở vùng đệm, nếu âm tính thì đưa vào khu điều trị thông thường. Khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3 phân khu (hồi sức cấp cứu, điều trị bệnh nhân mức độ vừa và khu hậu Covid-19). Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, tỉnh cần đưa y tế tư nhân vào cuộc, rà soát tiêm vắc xin, tổ chức lại nhà ở cho công nhân, người lao động nhập cư. Không thể không có ca nhiễm Covid-19, không sợ Covid-19 là cách sống mới. Sống thông minh theo hướng dẫn khoa học là đích đến trong tương lai gần.

Đồng quan điểm này, các ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo cũng tập trung đưa ra giải pháp trong tình hình mới. Trong đó, ông Nguyễn Hoàng Thao cho rằng, để kết quả chống dịch đạt mục tiêu bền vững, tỉnh tiếp tục ưu tiên tiêm mũi 2 vắc xin cho người dân ở “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” vì hiện nay toàn tỉnh còn 1 khu phố, ấp “vùng đỏ”, 6 khu ấp “vùng cam” và 33 khu, ấp “vùng vàng”. Khi bao phủ trọn vắc xin kết hợp phong tỏa ở những “vùng đỏ” thì số ca nhiễm sẽ tiếp tục giảm dần.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, công thức “Vắc xin + 5K + ý thức người dân + công nghệ” là nhân tố để thích ứng linh hoạt, an toàn, chấp nhận có ca Covid-19 trong cộng đồng. Trong ảnh: Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: MINH DUY

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, qua hơn 3 tháng phòng, chống dịch bệnh, cả hệ thống chính trị tỉnh đã rút ra nhiều bài học sâu sắc. Toàn tỉnh đang dần chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh nên các hoạt động xã hội, sản xuất kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh thực hiện nới lỏng giãn cách nhưng không buông lỏng quản lý mà “an toàn đến đâu mở rộng đến đấy”. Các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà cần tiếp tục phát huy thành quả chống dịch. Bình Dương được Trung ương đánh giá rất cao công tác chống dịch, đặc biệt trong chiến lược giảm tỷ lệ tử vong. Hiện tỉnh đang hoàn thiện hệ thống y tế lưu động, tỷ lệ bao phủ vắc xin rộng với hơn 95% người dân trong độ tuổi tiêm mũi 1 và hơn 20% dân số tiêm mũi 2. Đây là những điều kiện để tỉnh tự tin bước vào giai đoạn mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi sản xuất.

Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp ở phường Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, trong điều trị cần quan tâm thực hiện tốt mô hình Trạm Y tế lưu động, điều trị 3 tầng cần kế hoạch đầu tư nguồn lực. Sở Y tế phải báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy nhu cầu cần nguồn lực cho trạm y tế lưu động để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở, đặc biệt chú trọng triển khai sâu rộng mô hình Trạm Y tế lưu động đến tổ dân phố, Tổ Covid cộng đồng, các khu nhà trọ. Về xét nghiệm PCR, ngành y tế cần tổ chức lại hệ thống máy xét nghiệm PCR khoa học, nhanh chóng hơn, trong 6 giờ phải trả kết quả. Công tác lấy mẫu cần lấy đại diện hộ gia đình; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định. Dự kiến cuối tháng 10, tỉnh sẽ tổng kết công tác chống dịch và sơ kết mô hình Trạm Y tế lưu động.

Ngoài công tác điều trị, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý đến công tác an sinh xã hội, hỗ trợ cho đối tượng thực sự khó khăn, người già neo đơn. Với những đối tượng chưa nhận được chính sách của Trung ương, địa phương vì những lý do, hoàn cảnh khác nhau các đơn vị, địa phương tiếp tục giải quyết cho các đối tượng theo đúng quy định. Trong giao thông, đi lại của người dân cần linh hoạt, không cát cứ, không chia cắt. Công tác tuyên truyền chú trọng phòng bệnh ngay tại nhà kết hợp bài thuốc Đông y. Công thức “Vắc xin + 5K + ý thức người dân + cộng nghệ” là nhân tố để thích ứng linh hoạt, an toàn, chấp nhận có ca Covid-19 trong cộng đồng.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết
Tags
F0Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên