Phản ánh của ông Trương Trọng Hiếu về việc bị thu hồi đất sau nhiều năm canh tác: Cần giải quyết thấu tình, đạt lý

Cập nhật: 23-09-2019 | 08:13:54

 Những ngày qua, vợ chồng ông Trương Trọng Hiếu (ngụ KP.9, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) lo lắng khi mảnh đất gia đình họ sinh sống nhiều năm bị cho là đất công. Ông Hiếu cho biết gia đình ông đã canh tác ở khu đất này mấy mươi năm rồi.

 Căn nhà cấp 4 và khuôn viên đất mà gia đình ông Hiếu đã sử dụng nhiều năm nay

“Tôi có đất, chính quyền mới xây tặng nhà”

Khu đất gia đình ông Trương Trọng Hiếu đang sử dụng có tổng diện tích 884m2, tọa lạc gần bờ sông Sài Gòn. Trên khu đất này có một căn nhà cấp 4, nơi vợ chồng và con cái ông sinh sống nhiều năm qua.

“Năm 1986, trên khu đất này tôi có xây một căn nhà nền xi măng, vách gỗ, mái ngói. Căn nhà có diện tích khoảng 150m2. Diện tích đất còn lại tôi xây chuồng heo, gà để chăn nuôi, trồng cây ăn trái. Đến năm 2004, gia đình tôi được chính quyền địa phương xây tặng căn nhà đại đoàn kết có diện tích 50m2 trên khu đất này. Tôi gom góp thêm tiền để cơi nới căn nhà rộng hơn. Vậy mà những ngày qua, chính quyền địa phương liên tục yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ tất cả chuồng trại, công trình nhà vì cho rằng chúng tôi đang sống trên đất công! Xin hỏi, nếu bảo đây là đất công, sao địa phương lại xây tặng nhà đại đoàn kết trên đất công, cũng không có giấy tờ gì xác nhận tặng đất cho gia đình tôi xây nhà! Tôi có đất, mới được địa phương xây tặng nhà đại đoàn kết”, ông Hiếu nói.

Theo đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, ông Hiếu cho biết bản thân là hạ sĩ quan, nhiều năm phục vụ trong quân đội ở chiến trường Campuchia. Khu đất gia đình ông đang sống trước đây thuộc chủ sở hữa của một người tên Phong. Sau năm 1975, người này đã ra nước ngoài định cư. “Năm 1986, do cuộc sống quá khó khăn, tôi được người quen mách bảo ông Phong đã đi nước ngoài, bỏ lại khu đất không ai tiếp quản, nên tôi ra khai phá và ở cho đến nay. Ngày đó cả khu vực này không bóng người, không đường sá. Cũng vì khổ quá nên tôi mới cố gắng bám trụ. Từ đầu năm 2019, địa phương cho rằng khu đất chúng tôi đang sống là đất công, nhiều lần cử cán bộ đến yêu cầu chúng tôi tháo dỡ nhà trả lại đất cho phường khiến chúng tôi bất ngờ, bức xúc. Bao năm qua, gia đình tôi được cấp sổ hộ khẩu thường trú, số nhà, được xây tặng nhà đại đoàn kết mà họ bảo chúng tôi sống trên đất công”, ông Hiếu cho biết.

Trả lời câu hỏi của P.V vì sao sau bao nhiêu năm canh tác, sinh sống mà gia đình không xin chính quyền địa phương làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hiếu cho rằng: “Bản thân tôi không biết nhiều chữ, quanh năm lam lũ ruộng đồng nên không đi đến đâu. Hơn nữa, với suy nghĩ đất mình thì mình ở nên không quan tâm đến chuyện sổ sách. Nếu biết chuyện xảy ra như hôm nay, gia đình tôi đã xin thủ tục cấp sổ đất từ hàng chục năm trước. Năm 2014, UBND phường có mời tôi lên ký vào giấy tờ gì đó tôi cũng không rõ, vì bản thân không rành chữ. Nay họ dựa vào đó để thu hồi đất!”.

Chính quyền dựa vào đâu để thu hồi đất?

Trao đổi với P.V, lãnh đạo phường Chánh Nghĩa cho rằng khuôn viên đất nơi khu vực gia đình ông Hiếu đang sinh sống có diện tích hơn 1 ha. Khu đất này được UBND TP.Thủ Dầu Một dự tính xây dựng quảng trường và chợ truyền thống, vì thế, UBND phường Chánh Nghĩa rà soát, thu hồi lại khu đất.

Theo trình bày của lãnh đạo phường, khu đất này trước đây của một người tên Phong như ông Hiếu đã nói. Sau ngày ông Phong đi định cư nước ngoài, UBND phường tiếp quản, dùng khu đất cho lực lượng quân sự địa phương, công an phường canh tác thu nhập thêm. Sau đó, khu đất được chuyển cho vợ chồng ông Phạm Quốc Việt, một người dân địa phương, thuê trồng trọt, đóng thuế hàng năm cho Nhà nước. Đến năm 2000, vợ chồng ông Việt có đơn gửi UBND phường xin miễn đóng thuế. Vợ chồng ông Việt canh tác khu đất này đến năm 2014. Khu đất của gia đình ông Hiếu đang sinh sống, nằm trên khuôn viên đất hơn 1 ha mà vợ chồng ông Việt đã thuê lại của phường.

Ngày 9-9-2019, UBND phường Chánh Nghĩa đã có biên bản xác minh nguồn gốc đất. Một số ý kiến cho rằng do trước đây gia cảnh ông Hiếu khó khăn nên sống nhờ trên đất của ông Nguyễn Minh Sơn. Đến năm 1995, thì gia đình ông Sơn không cho ông Hiếu ở nữa. Do đó, ông Phạm Quốc Việt xin xã (nay là phường) cho ông Hiếu ở nhờ trên thửa đất công mà ông Việt đang thuê canh tác.

Trả lời việc vì sao UBND phường Chánh Nghĩa xây tặng nhà đại đoàn kết trên đất công cho gia đình ông Hiếu, bà Phạm Thị Huệ Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Chánh Nghĩa, cho rằng: “Việc xét duyệt xây tặng nhà đại đoàn kết được thực hiện từ mười mấy năm trước. Nếu một hộ gia đình khó khăn, trong khi UBND phường có quỹ đất công thì vẫn có thể xét xây tặng nhà. Hiện UBND phường đang vận động gia đình ông Hiếu tháo dỡ công trình phụ, chứ không thu lại căn nhà đại đoàn kết trên. Vợ chồng ông Hiếu vẫn ở trên căn nhà có diện tích 50m2 mà UBND phường đã xây tặng”.

Theo bà Phạm Thị Huệ Dung, ngày 8-4-2014, UBND phường Chánh Nghĩa có lập tờ cam kết và chính ông Hiếu đã ký vào giấy cam kết trên. Theo đó ông Hiếu thừa nhận hiện đang sử dụng một phần đất có diện tích 500m2, thuộc thửa số 107-116-117, tờ bản đồ 40 (tổ 76, KP.9, phường Chánh Nghĩa) là khu đất công do UBND phường Chánh Nghĩa quản lý. “Trước đây, tôi được UBND phường Chánh Nghĩa trao tặng nhà đại đoàn kết với diện tích 50m2. Trong quá trình sử dụng, ngoài diện tích nhà 50m2, chúng tôi có cơi nới và xây dựng thêm chuồng heo và nhà nấu rượu trên diện tích đất công này… Khi Nhà nước có chủ trương quy hoạch khu đất công này thì gia đình chúng tôi sẽ chấp hành tháo dỡ và không khiếu nại, yêu cầu bồi thường ngoài diện tích nhà đại đoàn kết 50m2 mà chúng tôi được trao tặng”, ông Hiếu cam kết.

Trước sự việc trên, gia đình ông Hiếu rất mong được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng trình tự và quy định của pháp luật.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=828
Quay lên trên