Vụ việc cửa hàng xăng dầu Bình Chuẩn “móc túi” khách hàng bằng cách “bơm nối số” vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành bắt quả tang lại thêm một lần nữa phản ánh tình trạng gian lận thương mại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Và thiệt thòi nhất trong các vụ vi phạm hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại hầu như đều thuộc về phía khách hàng. Mánh khóe của việc gian lận thương mại quá tinh vi hay biện pháp xử phạt chưa đủ mạnh? Công tác quản lý thị trường đã thực sự chặt chẽ chưa? Đó là những vấn đề đang đặt ra cho các ngành chức năng.
Với vụ gian lận tại cây xăng Bình Chuẩn, nếu vin vào lý do “mánh khóe” tinh vi mà người tiêu dùng thường nghe các lực lượng kiểm soát thị trường thường trả lời nghe ra không thuyết phục chút nào! Một cây xăng lớn, nằm ngay ngã tư đường có đông phương tiện qua lại, đông khách hàng nhưng cho đến khi báo chí phản ánh, ngành chức năng mới vào cuộc và phát hiện thì có lẽ đó là lỗi thuộc về công tác quản lý thị trường. Liệu trên thị trường còn bao nhiêu “cây xăng Bình Chuẩn” đang tồn tại, đang qua mặt các lực lượng quản lý để “bòn rút” túi tiền người tiêu dùng? Cây xăng Bình Chuẩn gian lận trong thời gian bao lâu, số tiền “móc túi” khách hàng là bao nhiêu? Quả thật đó là những câu hỏi rất khó trả lời và xin nhường lại cho lực lượng quản lý thị trường.
Trả lời về mức xử phạt cho trường hợp này, một cán bộ quản lý thị trường cho biết khung phạt từ 70 - 100 triệu đồng cho hành vi gian lận đo lường. Với mức xử phạt tối đa là vậy liệu có đủ sức răn đe? Nên biết chỉ một khách hàng là cán bộ thị trường giả dạng để phanh phui hành vi gian lận này đã bị bơm thiếu tới 9,5%, quy ra tiền là 33.000 đồng. Mỗi ngày cửa hàng xăng dầu này có bao nhiêu khách hàng của 6 trụ bơm và thời gian gian lận đã bao lâu thì chưa ai trả lời được. Chắc chắn số tiền gian lận bằng cách bơm thiếu là không hề nhỏ, phải chăng họ sẵn sàng bị phạt để tiếp tục “móc túi” khách hàng!
Hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại vốn diễn biến rất phức tạp, khó lường, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Công tác phòng chống để ổn định thị trường là thách thức đang đặt ra cho các lực lượng chức năng. “Trận chiến” chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại không thể phó mặc cho lực lượng chức năng. Để bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng thì ngay chính người tiêu dùng cũng phải chung tay góp sức. “Tai, mắt” của người tiêu dùng chắc chắn là một kênh hữu hiệu để các lực lượng chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý thị trường. Nói không với hàng gian, hàng giả, tẩy chay những “địa chỉ gian lận” đã bị phát hiện, đó là cách tốt nhất, bên cạnh những biện pháp xử lý của cơ quan chức năng để ngăn chặn các “mánh khóe” làm ăn phi pháp trên thị trường.
TRIỆU PHONG