Phía sau thành công của các ông chủ ngành thép

Cập nhật: 09-12-2013 | 00:00:00

Giá nguyên liệu đầu vào giảm trong khi lãi suất ngân hàng duy trì mức thấp là lý do nhiều ông chủ doanh nghiệp thép gặt hái thành công dù bất động sản vẫn bết bát.

Trên sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội có 22 cổ phiếu thuộc lĩnh vực thép. 11 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng những mã này đạt 68%, cao gấp 3 lần so với mức tăng của Vn-Index và trên 5 lần nếu so với HNX-Index. Dẫn đầu nhóm là cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen và HPG của Tập đoàn Hòa Phát với mức tăng lần lượt 127% và 97%, theo khảo sát của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect. Kết quả này góp phần đưa các ông chủ của hai doanh nghiệp trên trở thành những doanh nhân bội thu nhất năm 2013 với trị giá tài sản cổ phiếu lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

  Tổng lợi nhuận các công ty thép niêm yết trên sàn chứng khoán trong 9 tháng tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước

Ngoài HPG và HSG, một số cổ phiếu thép khác thuộc nhóm penny và midcap cũng có tốc độ tăng giá cao hơn so với thị trường như KKC (Công ty cổ phần và Sản xuất Kinh doanh Kim khí), THL (Tập đoàn Thép Tiến Lên), SSM (Cổ phần chế tạo Kết cấu thép VNECO.SSM) với mức trên 50%.

Kết quả kinh doanh lạc quan hơn so với năm 2012 là động lực thúc đẩy tăng giá cho các cổ phiếu ngành thép. Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận sau thuế các công ty thép niêm yết đạt 1.894 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này chưa bao gồm lợi nhuận của Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu (Mã CK: HLA) do chưa có báo cáo tài chính.

Khoản lợi nhuận trên chủ yếu nhờ sự đóng góp từ những doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu blue-chip như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen với mức tăng cao hơn so với trung bình toàn ngành lần lượt 78% và 69%. Theo giải thích từ hai doanh nghiệp, lãi vay giảm so với cùng kỳ năm trước giúp công ty thoát gánh nặng chi phí tài chính. Riêng Hòa Phát còn được cộng thêm khoản hoàn nhập dự phòng do đã đòi nợ thành công khoản tiền 264 tỷ đồng bị kẹt từ nhiều quý trước.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết thêm trong niên độ tài chính 2015-2016, dự kiến doanh thu tập đoàn đạt 1 tỷ USD còn lợi nhuận sau thuế 500-1.000 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ sẽ lên 1 triệu tấn.

Tuy vậy, nhìn chung toàn ngành thép vẫn chưa hẳn thoát khỏi khó khăn khi phải chịu sự cạnh tranh từ việc nhập khẩu thép Trung Quốc và thị trường bất động sản chưa phục hồi. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, tính chung 9 tháng đầu năm, tổng lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đạt khoảng 3,3 triệu tấn, chỉ tăng 2,26% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Báo cáo tổng quan thị trường sắt thép tháng 10 của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, tổng lượng nhập siêu 10 tháng đầu năm chạm ngưỡng 4 tỷ USD, trong đó lượng thép hợp kim có chưa nguyên tố Boron nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng tăng.

Với bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm trong nước, doanh thu của các công ty thép tăng trưởng không cao so với năm ngoái. 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu tất cả các doanh nghiệp thép niêm yết đạt 56.400 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã CK: POM) là đơn vị quy mô lớn với vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng và chiếm thị phần tới 15% cả nước, nhưng lỗ sau thuế hơn 240 tỷ đồng 9 tháng qua trong khi cùng kỳ năm ngoái còn thu lãi 9 tỷ. Theo lý giải từ công ty, một trong những yếu tố khiến kết quả kinh doanh bết bát là do thị trường địa ốc còn khó khăn. Đúng vào thời điểm này, Thép Pomina lại đưa thêm một nhà máy luyện mới với công suất 1.000.000 mt vào hoạt động nên phải chịu lỗ khấu hao cao.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu POM của doanh nghiệp giảm giá hơn 2% so với đầu năm. Một số doanh nghiệp niêm yết khác cũng có giá cổ phiếu giảm 10-60% như Công ty Thép Bắc Việt (Mã CK: BVG), Tập đoàn Thiên Quang (Mã CK: ITQ) hay Công ty Sơn Hà Sài Gòn (Mã CK: SHA). Đây đều là những đơn vị kinh doanh thua lỗ, hoặc có lãi nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Trung Hòa – Phó giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng chia sẻ vẫn rất khó để đánh giá cổ phiếu thép đã tiệm cận với giá trị thật của doanh nghiệp hay chưa. Ngoài ra, những mã có thị giá đi ngược xu thế ngành có thể xem là doanh nghiệp niêm yết đang gặp vấn đề như quản trị không ổn định, lợi thế cạnh tranh thấp so với các công ty dẫn đầu.

Theo ông Hòa, có hai nguyên nhân chính khiến các công ty thép bội thu lãi năm nay. “Thứ nhất là do giá nguyên liệu đầu vào giảm nhanh hơn giá thép trong nước giúp lợi nhuận biên mở rộng. Thứ hai là nhờ lãi vay năm nay giảm mạnh, tỷ giá gần như ổn định nên chi phí tài chính giảm khá nhiều”, ông Hòa phân tích.

Trong các quý tới, chuyên gia này cho rằng lợi nhuận ngành thép vẫn còn triển vọng do lãi suất ngân hàng chưa có dấu hiệu biến động. “Còn lợi nhuận gộp biên các công ty ra sao vẫn phải phụ thuộc vào thị trường thế giới nên cũng khó nói. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước đã giảm rất mạnh trong hai năm qua và giờ gần chạm mức đáy của thị trường. Nếu giá bán hồi phục lại, lợi nhuận các công ty thép thậm chí còn tăng mạnh hơn”, ông Hòa nhận xét.

Dù vậy, chuyên gia phân tích tại Maybank Kim Eng cho rằng huy động vốn qua sàn chứng khoán đối với lĩnh thép vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tìm kiếm nhà đầu tư tài chính vì “đa số họ thích những ngành có tính ổn định và có triển vọng tăng trưởng cao hơn”. Tuy nhiên, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể kiên nhẫn chờ đợi ngành thép lạc quan trở lại, nhất là khi thị trường xây dựng và bất động sản gần đây có nhiều dấu hiệu cải thiện. Theo tính toán của ông Hòa: “Có thể phải đến năm 2015 ngành thép mới hồi phục”.

Còn theo ông Lê Phước Vũ, giá cổ phiếu thép chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp phải có tiềm năng tăng trưởng, phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, lợi thế cạnh tranh từng công ty. Dù vậy, ông Vũ cho rằng trong tương lai doanh nghiệp tôn thép ở Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao nếu sở hữu các lợi thế như chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, thương hiệu mạnh và chi phí sản xuất thấp.

"Về trung và dài hạn, ngành thép vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng tăng trưởng do tốc độ đô thị hóa ngày một gia tăng. Mục tiêu phát triển 1.000 trung tâm đô thị vào năm 2025 cùng tiêu chuẩn nhà ở tại khu vực thành thị được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư cho xây dựng và hạ tầng, khiến nhu cầu tiêu thụ thép tiếp tục tăng trưởng trong tương lai", ông Vũ chia sẻ.

Theo VnExpress
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=359
Quay lên trên