Đã tròn 70 năm kể từ ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ dưới cánh rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng); từ đó tỏa đi tiêu diệt hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần, khiến thực dân Pháp hoang mang, lo sợ. Ngày 22-12-1944, từ đấy, trở thành mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng hôm nay!
Ngày đầu ấy, chỉ với súng kíp và mã tấu đơn sơ, nhưng với ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ không chịu làm nô lệ”, từ một trung đội người lính kiên trung đó, đã phát triển thành những trung đoàn, đại đoàn chủ lực; từ súng kíp và giáo mác đã có tiểu pháo và đại pháo; từ chiến thuật đánh du kích tiến lên đánh hợp đồng binh chủng, quân chủng, dồn thực dân Pháp vào thế “tiến thoái lưỡng nan” ở khắp các chiến trường. Đội quân ngày ấy càng được Đảng tin, dân mến, gọi là “bộ đội Cụ Hồ”, lần lượt làm nên những chiến công hiển hách. Từ chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 7-5-1954, đội quân ấy cùng với toàn dân đã thực hiện xuất sắc điều mong ước của Bác Hồ và cả dân tộc là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” vào ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh tôn vinh Việt Nam là chiến sĩ tiên phong đi đầu trong quá trình đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên toàn thế giới.
70 năm là một chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ, vượt qua bao gian khổ, hy sinh của lớp lớp “bộ đội Cụ Hồ”. Chúng ta đâu dễ quên những bàn chân người lính tóe máu khi hành quân, đạp lên đá tai mèo trên các núi đá dựng đứng, cheo leo ở Trường Sơn; đâu dễ quên nước da tím tái do ngâm mình hàng chục đêm ở các dòng sông để làm nổ tung tàu giặc; đâu dễ quên điều kiện sinh hoạt và chiến đấu trong hoàn cảnh bom đạn nối chồng, với mưa rừng, thác lũ và cả những cơn khát cháy họng mùa khô…, nhưng tất cả người lính Cụ Hồ đều vượt qua, vì luôn mang trong tim lý tưởng độc lập, tự do của toàn dân tộc: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc!
Sự chịu đựng hy sinh phi thường ấy đã ám ảnh cựu trung tá hải quân Mỹ Giêm-uốt, từng tham chiến ở Việt Nam, sau năm 1975, khiến ông tìm cách trở lại các chiến trường xưa ở đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung với hy vọng tìm lời giải thích cho câu hỏi từng đau đáu trong tâm: Vì sao Việt Cộng ở một nước nghèo nàn, lạc hậu, lại có thể đánh thắng một quân đội Mỹ và quân đội ngụy quyền Sài Gòn được trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng? Ông đã gặp và trò chuyện với hàng chục tướng, tá, chiến sĩ của chúng ta và tìm được câu trả lời ngắn gọn: Cuộc chiến đấu của Việt Nam được toàn dân ủng hộ, mà đội quân chủ lực trong chiến tranh ấy là lớp lớp “bộ đội Cụ Hồ” mang lý tưởng, sức mạnh của nhân dân! Cuốn sách ca ngợi phẩm chất cao đẹp của “bộ đội Cụ Hồ” ấy được tác giả đặt tên là “Chân trần, chí thép”.
Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, 70 năm qua, quân đội ta đã làm nên truyền thống vẻ vang - như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không chỉ là đội quân chiến đấu, mà còn là đội quân công tác, sống gắn bó máu thịt với nhân dân, tình nguyện giúp đỡ nhân dân, nhất là ở miền núi, ở vùng cao tăng gia sản xuất để “no cái bụng”, “sáng cái chữ”. Thông qua chiến đấu và sản xuất, hợp tác và giao lưu với các tầng lớp nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân được tăng cường và sức mạnh chiến tranh nhân dân được nhân lên gấp bội. Theo hướng xây dựng quân đội cách mạng tinh nhuệ, từng bước chinh quy, hiện đại, có những binh chủng tiến ngay vào hiện đại và lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, nền tảng để xây dựng vững mạnh toàn diện, quân đội ta ngày càng được dân tin yêu, Đảng, Nhà nước ta chăm lo hết mực, nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới
HỒNG VINH