Chưa hết nguôi ngoai về vụ “nhân bản xét nghiệm”, nay dư luận lại xôn xao với câu chuyện một bác sĩ chủ cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội sau khi phẫu thuật gây tử vong đã ném xác nạn nhân xuống sông nhằm phi tang, trốn tránh trách nhiệm. Lại thêm một nỗi đau trong ngành y và chắc chắn hung thủ sẽ chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật, tuy nhiên qua vụ việc này còn bộc lộ một “nỗi đau” khác, đó là hành vi phạm pháp khá bình thản của đồng phạm tuổi còn rất trẻ.
Khai trước cơ quan công an, nhân viên bảo vệ mới 17 tuổi của cơ sở thẩm mỹ - người trực tiếp giúp sức cho chủ cơ sở thẩm mỹ dựng hiện trường giả và ném xác nạn nhân xuống sông - cho biết “cảm thấy bình thường khi thực hiện xong hành vi này” và tiếp tục đi làm vào ngày hôm sau như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Lời khai chân thật của cậu bảo vệ mặt còn non choẹt này không khỏi làm mọi người giật mình và đau lòng, không chỉ bởi cái chết tức tưởi của nạn nhân mà còn dấy lên mối lo ngại về hành vi phạm pháp đến độ “bình thường” theo như cách gọi, cách suy nghĩ của một số hung thủ tuổi vị thành niên thời gian qua.
Cách đây không lâu, vụ án giết người nhẫn tâm do “sát thủ” Lê Văn Luyện gây ra hay nhiều vụ án nổi cộm khác mà hung thủ tuổi đời còn trẻ thực hiện một cách lạnh lùng đã làm dư luận vừa phẫn nộ vừa lo lắng. Vì sao tội phạm tuổi còn rất trẻ lại xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ phạm pháp không ngừng gia tăng, giải pháp nào ngăn ngừa hữu hiệu tình trạng này… là những câu hỏi đau đáu đặt ra cần sớm có lời giải thỏa đáng. Theo thống kê của Hội Khoa học tâm lý - giáo dục ngành công an, không phải do yếu tố khó khăn về kinh tế mà có đến 76,5% tội phạm vị thành niên có mâu thuẫn với gia đình; từ mâu thuẫn với gia đình đã góp phần đẩy nhiều vị thành niên vào nhóm bạn bè xấu, dần dần trở thành tội phạm… Nói một cách khác, môi trường nuôi dưỡng và giáo dục có tác động rất quan trọng đến việc ngăn ngừa tội phạm nói chung và tội phạm tuổi vị thành niên nói riêng.
Những gia đình có cha mẹ thường xuyên bất đồng, mỗi người một hướng chỉ lo tập trung kiếm tiền mà lơ là việc giáo dục con cái, trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc, dạy dỗ, hướng đến những giá trị tốt đẹp… dễ dẫn đến con đường hư hỏng. Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn đang là một thực trạng rất thời sự lý giải cho con đường phạm tội của nhiều tội phạm vị thành niên. Trong gia đình đã thiếu sự chăm sóc chu đáo, khi ra xã hội giao tiếp, trước nhiều cám dỗ và thậm chí nhìn thấy sự thiếu gương mẫu, hành vi không hợp chuẩn của một số người lớn, các em càng dễ mất định hướng và sa ngã. Mức hình phạt có thể tuyên tăng lên hay giảm xuống theo khung luật định khi các em phạm tội, nhưng nếu không có được sự chuyển biến tích cực từ trong chính nhận thức các em thì sẽ rất dễ tái diễn hành vi phạm pháp khi các em trở lại hòa nhập cuộc sống.
Mái ấm gia đình, sự dưỡng dục, định hướng của cha mẹ, thầy cô và xã hội sẽ góp phần vào việc hình thành nhân cách cho giới trẻ. Từ những vụ án đau lòng, mong rằng mỗi gia đình có con trẻ hãy xem đó như là lời cảnh báo cho chính mình.
Q.MINH