Quyết liệt ngăn chặn nguồn heo thẩm lậu

Cập nhật: 05-03-2019 | 08:21:43

Bệnh dịch tả heo châu Phi đã lan ra 7 tỉnh, giá hỗ trợ heo bệnh thấp nên nhiều nhà chăn nuôi bán tháo heo ra thị trường, heo chưa được kiểm dịch từ miền Bắc tuồn vào Nam khiến tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng… Trong khi đó, Bình Dương là cửa ngõ, điểm dừng của các đoàn tàu, xe chở heo lậu. Với tổng đàn heo lên đến gần 644.000 con, nếu ngành chức năng không quyết liệt ngăn chặn số heo chưa được kiểm dịch thẩm lậu vào thị trường thì nguy cơ lây lan dịch bệnh vào Bình Dương là rất lớn và thiệt hại đối với người chăn nuôi trong tỉnh sẽ khó lường.

 Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn), để cô lập các ổ dịch gây bệnh dịch tả heo châu Phi, lực lượng chức năng phải tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo bị chết và cả đàn heo nằm ở khu vực xung quanh nơi có heo chết vì nhiễm bệnh để bao vây, dập dịch. Liên quan đến vấn đề này, trước đó vào ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm không chế bệnh dịch tả heo châu Phi. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương trong nước đã đồng loạt ban hành kế hoạch hành động ứng phó với dịch bệnh. Quy định là vậy, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được khống chế triệt để. Mới đây nhất, Hải Dương là tỉnh thứ 7 thông báo xuất hiện ổ dịch tả heo châu Phi.

Trả lời câu hỏi vì sao quy định chặt chẽ như vậy nhưng bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn cứ lây lan, các chuyên gia ngành chăn nuôi cho biết vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt heo và cả trong một số chế phẩm từ thịt heo nên dễ dàng tán phát và lây lan sang đàn heo nuôi. Cùng với đó, tâm lý bán tháo đàn heo mang mầm bệnh để tránh tổn thất của người chăn nuôi cũng góp phần làm cho dịch bệnh tán phát trên diện rộng. Hiện tại, giá hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/ kg heo hơi, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Để nhận được tiền hỗ trợ, người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy phải thực hiện nhiều hồ sơ, thủ tục phức tạp nên họ chọn cách bán tháo khi nghi heo mắc bệnh. Do vậy, việc nâng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có heo bị tiêu hủy cũng là biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch tả heo châu Phi tán phát trên diện rộng.

Bình Dương là địa phương hiện có nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với tổng đàn lên đến gần 644.000 con. Trong khi đó, Bình Dương cũng là cửa ngõ, điểm dừng của nhiều đoàn tàu xe vận chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam, trong đó có cả nguồn heo lậu do người chăn nuôi ở các tỉnh có ổ dịch bán tháo ra thị trường. Do vậy, việc siết chặt nguồn heo chưa được kiểm dịch thẩm lậu vào thị trường Bình Dương là cần thiết để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan sang đàn heo trong tỉnh. Cùng với ngành chức năng, người chăn nuôi cần có biện pháp cách ly đàn heo với các vật phẩm có thể mang mầm bệnh để bảo vệ đàn heo. Khi phát hiện heo bệnh, người chăn nuôi cần báo ngay cho ngành chức năng để xử lý, tránh tình trạng để dịch bệnh tán phát trên diện rộng.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=617
Quay lên trên