Quyết liệt ngăn chặn thực phẩm kém an toàn

Cập nhật: 21-08-2013 | 00:00:00

Có thể nói, sau hàng loạt loại thực phẩm gần đây bị phát hiện có sử dụng chất cấm gây hại như bún, bánh canh, bánh cuốn, phở…, người tiêu dùng đã ít nhiều hoang mang, lo lắng cho bữa ăn hàng ngày của mình. Người kém tự tin gặp cảnh này sẽ thốt lên: “Thực phẩm “bẩn” nhiều quá, biết ăn gì cho an toàn đây?”. Trong khi đó, người lạc quan hơn thì cho rằng đây là “chuyện cũ” không lấy gì làm lạ bởi ít lâu lại phát hiện loại thực phẩm này “bẩn”, loại thực phẩm kia kém chất lượng, sử dụng chất cấm; sau thời gian “đình đám” rồi mọi chuyện đâu lại vào đấy, người tiêu dùng vẫn vô tư sử dụng. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả hàng loạt vấn đề đặt ra cho công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu kiểm tra sản xuất, lưu hành hàng hóa trên thị trường cho tới kiểm nghiệm, xử lý vi phạm, công bố thông tin nhãn hàng, đơn vị vi phạm để người tiêu dùng được biết… Một con số rất đáng lưu ý là trung bình mỗi năm gần đây cả nước xảy ra khoảng 500 vụ ngộ độc thực phẩm với từ 7.000 - 10.000 nạn nhân, trong đó có 100 - 200 ca tử vong; tuy nhiên đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, số trường hợp bị ngộ độc âm ỉ, dài lâu do thực phẩm kém an toàn gây ra thì khó có thể thống kê đầy đủ. Do vậy, với thực tế đã và đang diễn ra trong thời gian qua, có thể nói rằng chuyện quản lý, ngăn chặn thực phẩm “bẩn”, thực phẩm kém an toàn đã trở thành một vấn đề lớn gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đó không chỉ thuần túy là chuyện bữa ăn, mâm cơm hàng ngày mà còn là sức khỏe, chất lượng cuộc sống và cả thể chất của hàng chục triệu con người hôm nay lẫn thế hệ mai sau.

Đấu tranh ngăn chặn thực phẩm bẩn chắc chắn là một “cuộc chiến” không phải ngày một ngày hai và cũng không loại trừ bất cứ loại thực phẩm nào, cho nên sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn thực phẩm kém an toàn cần luôn giữ cho được sự quyết liệt và trách nhiệm trong mọi tình huống, tránh đánh trống bỏ dùi. Việc công bố thông tin liên quan thực phẩm kém chất lượng cần bảo đảm chặt chẽ nhưng phải nhanh chóng hơn vì đó là những thông tin thiết thân mà hàng ngày, hàng giờ người tiêu dùng trông đợi. Bên cạnh đó, tuyên truyền, cung cấp thông tin giúp người dân trang bị thêm kiến thức tiêu dùng cũng là một việc cần tăng cường, đa dạng và “mềm” hóa hơn nhằm góp phần chủ động ngăn chặn thực phẩm “bẩn” từ nhiều phía

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=351
Quay lên trên