Sáng tác về phụ nữ và phụ nữ sáng tác

Cập nhật: 05-03-2024 | 08:51:29

Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, phụ nữ Việt Nam vẫn luôn giữ gìn được nét đẹp riêng cho mình. Những nét đẹp hiện đại kết hợp nhuần nhuyễn với những đức tính truyền thống tạo nên dáng vẻ và tính cách với bản chất thuần Việt của phụ nữ ngày nay. Vì vậy, phụ nữ là nguồn cảm hứng sáng tác văn học - nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có các văn nghệ sĩ Bình Dương.


Tranh sơn dầu “Một thoáng Hạ Long” của Phạm Thị Hồng Xuyến

Thương lắm mẹ quê

Trong cuộc đời mỗi con người, dù trong cuộc sống thường ngày hay trong sự nghiệp, đều rất cần một “điểm tựa”. Với tác giả Phạm Thanh Phong, điểm tựa lớn nhất, vững vàng nhất và thiêng liêng nhất đó là mẹ. Hình ảnh người mẹ quê tảo tần lo cho chồng con thật đẹp, bởi: “Trong tim trọn đời này, lòng con luôn hát mãi/ Má không là gió thổi xuống đời con/ Má là ngọn cỏ, xanh lên tâm hồn…”.

Trong ca khúc “Thương nhiều lắm má ơi”, Thanh Phong đã khắc họa hình ảnh người mẹ quê đầy kham khổ với “dấu chân chim nhiều rồi, mái tóc phai màu vì sương gió, vai gầy nặng gánh, áo cũ đã sờn, đôi tay gầy cằn cỗi lo toan chuyện chồng con…”. Những hy sinh của má, những lời hát ru “à ơi” lại vun đắp, nuôi nấng con thành người: “Cho con được làm người/ Đầy niềm tin và sức sống/ Dẫu đi suốt cuộc đời/ Cũng không sao đi hết được/ Những câu hò lời ru, à ơi…”.

Những câu chuyện về người mẹ quê ở Bình Dương vào những ngày tết còn được thể hiện bằng những cảm xúc dạt dào nỗi nhớ trong tản văn “Diệm gốm da lươn của ngoại” của tác giả Trang Đinh. Cái diệm gốm được các bà mẹ quê dùng để làm nên rất nhiều món ăn ngày tết, như: Dưa giá, trộn bột làm bánh ít... Và những ký ức cả nhà cùng quây quần làm bánh luôn trào dâng trong lòng tác giả mỗi khi tết đến, xuân sang.

Viết về những người mẹ quê bằng cảm xúc kính yêu, thương nhớ và tự hào, nhiều tác giả đã bày tỏ lòng mình bằng những con chữ rất độc đáo với những đổi thay của Bình Dương trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Có thể kể đến như trong tản văn “Nhà của má” của tác giả Lưu Thành Tựu hay thơ “Mùa xuân này con trở về thăm mẹ” của tác giả Kim Ngoan...

Tự tin sáng tạo nghệ thuật

Cuộc sống ngày càng tân tiến, phụ nữ trong các tác phẩm văn học - nghệ thuật cũng được thể hiện ngày càng đẹp và sâu sắc. Trong tranh sơn dầu “Một thoáng Hạ Long” của họa sĩ Phạm Thị Hồng Xuyến, chúng tôi bắt gặp hình ảnh người phụ nữ trong tác phẩm mang một vẻ đẹp rất riêng. Đó là người phụ nữ tự tin tạo dáng để các nhiếp ảnh gia ghi lại khoảnh khắc trước cảnh đẹp thiên nhiên.

Họa sĩ Phạm Thị Hồng Xuyến cho biết: “Một thoáng Hạ Long” là tranh tả thực với gam màu chủ đạo là xanh lam coban, ghi lại khoảnh khắc đẹp về hình ảnh những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và nghiệp dư đang tác nghiệp cùng người mẫu là cô gái đang thể hiện động tác múa trước vẻ đẹp cảnh sắc trời mây, non nước hữu tình.

Phụ nữ ngày nay không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác mà họ còn là những người sáng tạo nghệ thuật để góp phần làm đẹp cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Minh Giảng, cho biết phụ nữ tham gia sáng tác nhiếp ảnh thể hiện rõ được quyền bình đẳng giới. Tác phẩm của họ thiên về mô tả vẻ đẹp dịu dàng, phong cảnh của hoa cỏ mùa xuân. Đặc biệt, họ có nhiều tác phẩm rất tinh tế về đề tài thiếu nhi và gia đình.

Chia sẻ với chúng tôi về tác phẩm được trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật chào mừng kỷ niệm 66 năm thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Võ Thị Kim Hương, giáo viên Khoa Điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, cho biết rất hạnh phúc khi được góp sức vào triển lãm với tác phẩm “Đôi bạn” với hình ảnh người phụ nữ và con mèo. Tác phẩm mang thông điệp dù cô đơn, mất cảm xúc trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhưng người phụ nữ vẫn mạnh mẽ qua thể hiện hình khối và luôn có những cảm xúc tình yêu của mình.

Với tác giả Kim Hương, khi phụ nữ sáng tạo nghệ thuật, họ toát lên một vẻ đẹp rất sáng trong vì được làm chủ chính mình, thể hiện tất cả cảm xúc với cách cảm quan trong cuộc sống qua bố cục, hình khối và đề tài của mình. Tuy nhiên, phụ nữ bị giới hạn về sức khỏe trong việc sử dụng chất liệu sáng tác như gỗ, đá... để thể hiện tác phẩm mang đến giá trị cao nhất trong ngôn ngữ điêu khắc.

“Mặc dù phải lo toan nhiều việc từ gia đình, cơ quan hay công việc hàng ngày khác, các hội viên nữ của hội luôn có tinh thần sáng tác rất cao. Họ tham gia nhiều hoạt động của các nhóm, các Đoàn - Hội khác nên khả năng sáng tác tác phẩm mới ngày càng hiệu quả hơn, tác phẩm ngày càng tiếp cận sự phát triển đương đại của nghệ thuật Việt Nam nói chung Bình Dương nói riêng”.

(Ông Ngô Phước Chánh, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên