Việc UBND TP.HCM vừa ký ban hành chính sách ưu đãi với mức lương lên tới 150 triệu đồng/tháng, tương đương 7.500 USD để thu hút nhân tài có thể được xem như là một hành động “sắm chiếu hoa, gọi nhân tài”. Thật ra, câu chuyện các địa phương hay cơ quan Nhà nước thu hút người tài về làm việc không mới nhưng mỗi lần nêu ra thì nó lại luôn luôn mới.
Khi xưa trong bài ký đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba thời vua Lê Thánh Tông do tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn có câu mở đầu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Ngày nay cũng vậy, nhân tài luôn được xem là báu vật, “vốn liếng” quốc gia để xây dựng phát triển đất nước trong tình hình mới.
Cũng chính vì coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, những năm qua có khá nhiều địa phương đề ra những chính sách để thu hút, kêu gọi nhân tài về làm việc, cống hiến. Nhưng công bằng mà nói, ở một số địa phương, sau khi đề ra các chính sách thu hút người tài nghe khá “kêu tai”, nhân tài vẫn vắng bóng hoặc thu hút về rồi lại không sử dụng, phát huy hết khả năng bởi nhiều lý do khác nhau. Thu hút người tài, sử dụng người tài, nói thì dễ nhưng thực hiện được hay không còn là câu chuyện khác. Người tài là ai? Làm sao để người tài dậy lên lòng khát khao cống hiến năng lực trí tuệ của họ tại các địa phương, cơ quan Nhà nước? Còn nhớ, khi vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia diễn ra, dư luận từ bất ngờ đi đến xôn xao bởi sự thống kê cho thấy, hầu như tất cả các thí sinh đạt giải cao nhất của cuộc thi này qua những năm từ khi chương trình bắt đầu diễn ra đến nay, sau khi nhận học bổng đi du học, đều không trở về nước làm việc. Điều này cho thấy, thu người tài, sử dụng được nhân tài vẫn là một mệnh đề khó.
Bản thân chính sách thu hút nhân tài vừa được TP.HCM ký ban hành dù đã manh nha từ năm 2002 nhưng cho đến nay mới ra đời được. Và với một mức lương hấp dẫn 150 triệu đồng/tháng, thành phố này hy vọng sẽ thu hút được người tài về làm việc, cống hiến vào sự phát triển xứng tầm với tư cách là một trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước. Với cơ chế tài chính như hiện nay, việc thực hiện chắc chắn sẽ không hề dễ dàng nhưng rõ ràng chính sách thu hút nhân tài này của TP.HCM đã thể hiện một tư duy đột phá cũng sự trân trọng, đánh giá cao vai trò của nhân tài trong điều kiện phát triển mới. Hy vọng rằng, sự đột phá này sẽ được lan tỏa rộng khắp và các địa phương khi đã có chính sách thu hút nhân tài, cũng phải có kế hoạch để sử dụng, khơi dậy lòng khát khao cống hiến tài năng, trí tuệ của họ. Vì “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” vẫn là một chân lý trong thời đại ngày nay.
THÀNH SƠN