Sòng phẳng trong sân chơi lớn

Cập nhật: 07-08-2020 | 08:42:53

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đặt ra rất nhiều kỳ vọng cho kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Châu Âu, thị trường lớn với 500 triệu dân, công nghiệp sản xuất với công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, khu vực phát triển hàng đầu thế giới… được đánh giá mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt, từ sản xuất đến xuất khẩu.

Nhưng tham gia bất cứ hiệp định thương mại tự do nào, không gian thị trường rộng mở tới đâu, bao giờ cũng song hành giữa thời cơ cùng thách thức chờ đón. Với EVFTA, kỳ vọng lớn nhất là thị trường xuất khẩu với việc cắt bỏ hàng loạt dòng thuế, giúp rất nhiều sản phẩm của Việt nam, đặc biệt là những mặt hàng có lợi thế như nông sản, thủy sản… có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Cùng với xuất khẩu, với việc có được những đối tác mạnh từ châu Âu, doanh nghiệp Việt có thêm điều kiện thuận lợi để nắm bắt, học hỏi trên nhiều phương diện, từ công nghệ, kỹ thuật đến quản trị, khai thác thị trường, phát triển, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ví von EVFTA như con đường cao tốc, kết nối Việt Nam và châu Âu. Doanh nghiệp, sản phẩm Việt thuận lợi lưu thông trên con đường đó. Vấn đề đặt ra là phương tiện lưu thông, hàng hóa chuyên chở có đủ sức, đủ tầm để tự tin bước vào thị trường lớn? Như nhìn thấy những yếu điểm của doanh nghiệp Việt, Thủ tướng mới yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải tự nâng mình lên mới đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trong một thị trường chung. Đồng hành với doanh nghiệp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế từ hiệp định mang lại.

Cơ hội có, nhưng thách thức cũng không ít. Châu Âu, thị trường lớn, rộng mở nhưng cũng rất “khó tính”. Ngoài sự yếu thế của doanh nghiệp Việt như tiềm lực tài chính, kỹ thuật, công nghệ, khả năng quản trị… đi kèm đó là các điều kiện đặt ra cho doanh nghiệp từ lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội… phải đáp ứng được. Đồng thời đó còn là sự cạnh tranh sòng phẳng của các dòng sản phẩm ngay chính trên sân nhà. Hàng hóa Việt thuận lợi vào thị trường châu Âu, ngược lại hàng hóa của đối tác cũng dễ dàng có mặt ngay tại thị trường nội địa Việt Nam.

Bước vào sân chơi lớn, toàn cầu là xu hướng phát triển. Và, chắc chắn nền kinh tế nào, doanh nghiệp nào muốn vươn xa cũng đều phải chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cần và đủ để sòng phẳng cạnh tranh.

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=527
Quay lên trên