(BDO) Hệ thống giao dịch thương mại toàn cầu đang bị tấn công, thế giới bên bờ vực của chiến tranh thương mại hay có thể thương mại tự do như một mô hình tiếp tục, đâu là những trở ngại… Đó là những vấn đề được đặt ra tại phiên họp với chủ đề tái lập toàn cầu hóa thương mại diễn ra chiều 24-11, trong khuôn khổ Horasis Bình Dương 2019.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh:P.Lê)
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp (Ảnh: Quốc Chiến)
Tại phiên họp, nhiều giải pháp đã được đưa ra để góp phần tái lập toàn cầu hóa thương mại, trong đó các thành viên đã thảo luận nhiều về nền kinh tế thương mại của Việt Nam. Ông John Wét, Giám đốc điều hành, Viện Thế kỷ châu Á, Úc, chủ trì phiên họp nhận định: “Yếu tố chính trong giao dịch thương mại toàn cầu là đổi mới về công nghệ, kỹ thuật, có những ý tưởng sáng tạo, công nghệ mới, sản phẩm mới. Tôi rất ấn tượng khi được ghé thăm vườn ươm doanh nghiệp của trường Đại học EIU. Vườn ươm doanh nghiệp là một mô hình đã và đang rất thành công ở những nền kinh tế phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Đây sẽ là những yếu tố tích cực để nuôi dưỡng những ý tưởng mới, sáng tạo, những sản phẩm mới, đổi mới công nghiệp tạo điều kiện cho những ý tưởng mới lạ thành hiện thực”.
Ông David Morris, Chủ tịch, Diễn đàn thương mại châu Á-Thái Bình Dương của Ủy Ban kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc, Thái Lan cho biết, chiến tranh thương mại không phải là giải pháp mà các nền kinh tế thương mại phải mở rộng và giao thương. Châu Á đang rất thành công trong phát triển thương mại kinh tế, đây sẽ là xu hướng lớn nhất để phát triển kinh tế trong tương lai. Chúng ta phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để giao dịch toàn cầu, tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Châu Á nên phát huy những thế mạnh và những thành tựu đã và đang đạt được. Các yếu tốt then chốt là nâng cao năng lực, tăng tính kết nối như về hạ tầng, phương tiện vận chuyển để giúp chúng ta đưa sản phẩm ra khắp thế giới”.
Phương Lê