Tháng tư hàng năm là thời điểm người dân cả nước thực hiện nhiều hoạt động tri ân nhằm nhắc nhở nhau nhớ về những người đã nằm xuống vì Tổ quốc. Cùng với cả nước, hôm qua (26-4), lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và các ban ngành, đoàn thể đã tổ chức lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và họp mặt kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2019). Đây là dịp để các thế hệ hôm nay nhớ về những người đã không tiếc máu xương giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc.
Lịch sử thế giới hiện đại ít có dân tộc nào phải đương đầu với nhiều thế lực hùng mạnh và hung hãn trong quá trình giữ nước như dân tộc Việt Nam. Mặc dù là một dân tộc có khát vọng chung sống hòa bình, thân thiện và hữu nghị với tất cả bạn bè quốc tế, nhưng kẻ thù buộc lớp lớp những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam phải cầm súng ra trận. Trải qua nhiều cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là giai đoạn chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh. Từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đất nước Việt Nam thân yêu đều thấm đẫm máu của các anh hùng liệt sĩ. Họ cầm súng chiến đấu và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để thực hiện lời thề “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng quyết giành cho được tự do, độc lập”.
Hòa bình, khắp nơi trên đất nước Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược đều có nghĩa trang liệt sĩ. Có lần, đứng trước nơi yên nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã xúc động bày tỏ: “Vì các anh hùng liệt sĩ đã biết hy sinh, đã dám hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, thế hệ hôm nay sẽ quyết tâm bảo vệ những thành quả cách mạng ấy”. Với quyết tâm bảo vệ đất nước, làm cho đất nước ngày càng mạnh giàu hơn, cả dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng góp sức xây dựng quê hương. Cả đất nước đã và đang vươn lên bằng sự đoàn kết, bằng trí thông minh và lòng quả cảm. Và, trong những năm qua thế giới đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
Ngưỡng mộ, tự hào và biết ơn những người đã nằm xuống vì Tổ quốc, thế hệ hôm nay đang tiếp bước trên con đường mà những người đi trước đã chọn bằng cách giữ gìn và dựng xây đất nước ngày càng giàu đẹp. Nói như nhà báo Hữu Thọ: “Sự xâm lăng hiện tại phải được hiểu theo khái niệm rộng hơn. Yếu về kinh tế có thể bị lệ thuộc, nhưng yếu về văn hóa, tinh thần dân tộc thì mất từ gốc”. Vì thế, bảo vệ Tổ quốc hôm nay bên cạnh lĩnh vực quân sự, kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào văn hóa và tinh thần dân tộc. Để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thế hệ hôm nay không chỉ biết cách làm giàu mà còn phải biết cách giữ gìn văn hóa truyền thống và nhân rộng tinh thần dân tộc.
Truyền thống ấy, tinh thần ấy sẽ là động lực, là niềm tin giúp thế hệ hôm nay vươn lên nắm giữ tri thức, làm chủ công nghệ để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời Bác Hồ từng chỉ dạy. Và, đó chính là cách tri ân tốt nhất của thế hệ hôm nay đối với những người đã nằm xuống vì Tổ quốc mến yêu.
LÊ QUANG