Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại San Salvador, El Salvador. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 19/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 467.759.807 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.093.147 ca tử vong. Số người đang phải điều trị tích cực hiện là 62.755 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.643.115 ca mắc COVID-19 và 5.017 ca tử vong. Dù Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới dưới mức 400.000, cụ thể là 381.454 ca, song nước này vẫn đứng đầu thế giới về con số này trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch trên thế giới, đứng đầu số ca tử vong trong ngày, với 721 ca.
Thế giới đã ghi nhận thông tin tích cực là trong hai tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi đã tăng khoảng 15%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là kết quả đạt được sau khi một số quốc gia trong khu vực tổ chức các chiến dịch tiêm chủng đại trà. Cụ thể, trong tháng 2 vừa qua, châu Phi đã triển khai tiêm tổng cộng 62 triệu liều vaccine, tăng so với 54 triệu liều trong tháng 1.
Nhiều quốc gia đông dân như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya và Nigeria đã triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi, Tiến sỹ Matshidiso Moeti, cho biết các chiến dịch tiêm chủng đã tạo động lực tích cực cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở châu lục nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, châu Phi vẫn cần phải tăng gấp 9 lần tốc độ tiêm chủng hiện nay nếu muốn đạt được mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số vào tháng 6 tới.
Theo thống kê, hiện châu Phi mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 15% số người trưởng thành. Khoảng 435 triệu vaccine trong tổng số 714 triệu liều nhận được, chiếm 61%, đã được tiêm cho người dân. Ở châu Phi hiện chỉ có Mauritius và Seychelles đạt tỷ lệ tiêm chủng 70%.
Về số ca nhiễm mới COVID-19, châu Phi hiện chứng kiến 9 tuần giảm liên tiếp sau khi đợt dịch lần thứ 4 đã đạt đỉnh vào đầu tháng 1 vừa qua. Số ca mắc bệnh giảm 10% và số người tử vong giảm 37% trong trung tuần tháng này.
Nhằm sớm khống chế dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường, El Salvador đã bắt đầu tiêm mũi 4 vaccine ngừa COVID-19 cho người trên 12 tuổi và cả người nước ngoài bất kể tình trạng nhập cư. Việc tiêm chủng là hoàn toàn tự nguyện, người dân có thể tiêm mũi 4 cách mũi thứ 3 một khoảng thời gian là 90 ngày và không cần đăng ký trước.
Quốc gia với 6,7 triệu dân dự định tiêm chủng cho 5,7 triệu người và đến nay đã có 4,5 triệu người tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong khi 4,4 triệu người đã tiêm mũi 2 và 1,4 triệu người tiêm mũi tăng cường. Hơn 30.000 người nước ngoài ở El Salvador đã được tiêm chủng.
Trong khi đó, Đức đã ban hành Luật Phòng, chống lây nhiễm sửa đổi, theo đó hầu hết các biện pháp hạn chế trên cả nước sẽ được dỡ bỏ, trừ những khu vực có chỉ số lây nhiễm cao. Luật mới sẽ thay thế cho các quy định trước đây, vốn sẽ hết hiệu lực từ ngày 20/3.
Theo luật mới này, các quy định phòng, chống COVID-19 phần lớn sẽ vận dụng các quy định ở mức cơ bản, trong đó yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang và xét nghiệm vẫn được thực hiện tại các cơ sở dành cho nhóm người dễ bị tổn thương như các nhà dưỡng lão, phòng khám, các cơ sở y tế, ngoại trừ trường học và các cửa hàng.
Bên cạnh đó, Đức sẽ vẫn áp dụng một số hạn chế đối với các điểm nóng lây lan dịch bệnh theo quyết định của chính quyền mỗi bang. Một số nơi vẫn được áp dụng quy định chứng minh 3-G (đã khỏi, đã tiêm đủ hoặc vừa xét nghiệm âm tính) hoặc 2-G (đã tiêm đủ hoặc đã khỏi), yêu cầu đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Tuy nhiên, mọi hạn chế về tiếp xúc đều được dỡ bỏ.
Quy định mới là cơ sở chung để các bang áp dụng theo tình hình dịch bệnh mỗi bang. Trong ngày 18/3, bang Nordrhein-Westfalen thông báo sẽ dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang đối với học sinh từ ngày 2/4 tới, trong khi thành phố Hamburg thông báo từ ngày 19/3 sẽ dỡ bỏ hạn chế tiếp xúc đối với những người chưa tiêm chủng. Bên cạnh đó, Hamburg cũng dỡ bỏ quy định về số người được phép tham gia các sự kiện./.
Theo TTXVN