Thêm “cú hích” cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Cập nhật: 28-12-2017 | 07:41:32

Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh “Quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với phạm vi TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh gồm Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Đáng chú ý trong điều chỉnh quy hoạch này là chiến lược phát triển giao thông kết nối vùng hoàn chỉnh, hiện đại với nhiều đường cao tốc, đường sắt trên cao, đường vành đai, trong đó có đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (Bình Phước).

 Với quy hoạch này, đến năm 2030 các tuyến đường sẽ được xây dựng mới hoàn thiện, liên thông cả vùng. Có thể coi các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ là “cú hích” mạnh, một “đòn bẩy” đủ lực để thúc đẩy kinh tế vùng trọng điểm tăng tốc phát triển.

Kết nối để phát triển, từ nhiều năm nay, các nhà quản lý chuyên ngành, các chuyên gia kinh tế đã thường xuyên đề cập đến yếu tố đặc biệt quan trọng này. Bình Dương, trong quá trình phát triển những năm qua cũng đã rất chú trọng vấn đề này, đặc biệt là kết nối giao thông. Và sau một chặng đường đầu tư với việc huy động nhiều nguồn lực, Bình Dương đã có một hệ thống giao thông đồng bộ, mang tính kết nối cao. Không chỉ kết nối đồng bộ liên xã, liên huyện mà là kết nối với các tỉnh, thành trong cả khu vực.

Tuy nhiên, tầm nhìn riêng lẻ của từng tỉnh, thành vẫn không thể bảo đảm cho sự hoàn chỉnh kết nối giao thông của cả vùng. Giao thông là “xương sống” để giao thương kinh tế. Đặc biệt, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế năng động, phát triển, chiếm tỷ trọng lớn của cả nước, việc hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại, đủ tầm, tính kết nối cao lại càng có ý nghĩa trên đường phát triển.

Với Bình Dương, địa phương có nền kinh tế mạnh, đặc biệt là kinh tế công nghiệp, dịch vụ. Bình Dương còn là “cửa ngỏ” giao thương của các tỉnh, thành đối với trung tâm kinh tế TP.Hồ Chí Minh, đồng thời ra quốc tế. Bình Dương đã đầu tư mạnh phát triển mạng lưới giao thông, nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ sức cho nhu cầu phát triển mạnh. Bởi vậy, với một tầm nhìn mang tính toàn vùng của Chính phủ, nguồn lực mạnh từ các nguồn, sự đồng thuận cao của các tỉnh, thành trong khu vực sẽ đáp ứng được sức phát triển cho tất cả các địa phương. Kết nối giao thông liên vùng không chỉ có ý nghĩa đặc biệt về phát triển kinh tế mà đó còn là điều kiện thuận lợi để các tỉnh, thành “gần nhau” hơn về mọi mặt, giao thoa, bổ trợ, thúc đẩy phát triển toàn diện hơn về mọi mặt. Quả là một tầm nhìn chiến lược giàu sức thuyết phục.

 CẢNH HƯỞNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=804
Quay lên trên