Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Nhằm tiếp tục thực hiện tư tưởng của Bác về thi đua yêu nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11-6 hàng năm là ngày truyền thống Thi đua yêu nước. Thực tế cho thấy, thi đua đã trở thành mục tiêu và động lực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu kinh tế - xã hội. Phong trào thi đua nhằm thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người. Thời gian qua, phong trào này đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng ở tất cả các ngành, các cấp. Ở nhiều đơn vị đã gắn thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào thi đua, kế thừa và phát huy truyền thống thi đua yêu nước, thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 21- 5-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua đã trở thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của từng cá nhân. Từ phong trào này, mọi người đã tích cực, hăng say lao động, cống hiến, có những sáng kiến cải tiến mới, giúp cho công việc đạt năng suất và hiệu quả cao nhất. Cũng từ trong phong trào thi đua, đã xuất hiện những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam những giá trị và kho tàng vô giá, trong đó có quan điểm về thi đua. Vận dụng quan điểm, tư tưởng thi đua yêu nước của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tiêu biểu như các phong trào: “Lao động hiệu quả - Phát triển bền vững - Hội nhập thành công”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả sản xuất”, Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thi đua Dạy tốt - Học tốt”, “Nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”... Đặc biệt, phong trào thi đua gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn thể cán bộ công chức - viên chức. Qua đó đã nổi lên nhiều tập thể và cá nhân điển hình, gương mẫu trong học tập và làm theo tấm gương Bác ở tất cả các lĩnh vực.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Phong trào thi đua sẽ tiếp thêm động lực, thúc đẩy tỉnh nhà thực hiện thành công các mục tiêu tốt đẹp đó.
VĂN HIỆP