Giá trị nông nghiệp (NN) chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế, nhưng số lao động NN và hộ gia đình có thu nhập chính từ NN lại chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân số toàn tỉnh. Từ nghịch lý này, để các gia đình nông dân có cuộc sống ổn định, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Hội Nông dân đã phát động nông dân thi đua lao động sản xuất, thi đua làm giàu. Từ các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân làm giàu chính đáng.
Bình Dương được mệnh danh là thủ phủ “vàng trắng”, nên đa phần diện tích đất NN của Bình Dương trước đây được nông dân đầu tư trồng cao su. Một thời gian dài cây cao su không chỉ đem lại ấm no cho nông dân, mà còn giúp nhiều gia đình nông dân xây nhà, tậu xe, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt phục vụ đời sống. Khi giá mủ cao su tăng cao, nhiều nông dân Bình Dương bỗng chốc lên đời với các mỹ từ “đại gia” cao su, ông chủ đồn điền, bà chủ trang trại… mà nông dân nơi khác phải nể phục.
Nhưng năm gần đây, khi giá mủ cao su xuống thấp, nhiều hộ nông dân không cam chịu “giữ cây chờ giá” mà đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Cam, quýt, bưởi, dưa lưới… là những loại cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng được nông dân Bình Dương lựa chọn chuyển đổi và đã thành công. Hàng loạt trang trại trồng cây có múi đã hình thành, đem lại thu nhập cao gấp hàng chục lần so với cây cao su cho nông dân. Đối với nông dân ít đất canh tác, các mô hình hoa lan, cây cảnh, rau sạch… ứng dụng công nghệ cao ra đời, giúp nông dân bảo đảm thu nhập.
Cùng với trồng trọt, các trại kín, trại lạnh quy mô lớn chăn nuôi heo, gia cầm theo hình thức tập trung cũng phát triển mạnh. Trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch bệnh từng bước được vận động di dời. Các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được quy hoạch xa khu dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, khi nhiều nơi bị dịch bệnh tấn công thì các trang trại chăn nuôi quy mô lớn của nông dân Bình Dương vẫn bảo đảm an toàn. Cuộc sống của người dân tại các khu dân cư theo đó không còn tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi.
Với sự năng động, vượt khó, nhiều nông dân trong tỉnh đã vươn lên làm giàu chính đáng. Và khi đã thành công, nhiều hạt nhân nông dân đã tự nguyện trở thành tuyên truyền viên, ngân hàng cây con giống di động giúp những nông dân còn khó khăn cùng vươn lên và đóng góp xây dựng nông thôn Bình Dương ngày khang trang, sạch đẹp. Kết quả trên là kết tinh của phong trào nông dân thi đua sản xuất, thi đua làm giàu; trong đó ngành NN-PTNT và Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã dày công vận động thuyết phục và tích cực hỗ trợ nông dân trên tất cả các mặt.
LÊ QUANG