“Thông đường”… hội nhập

Cập nhật: 25-08-2023 | 08:22:26

Với khoảng 62.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, Bình Dương trở thành trọng điểm của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Tại Bình Dương hoạt động kinh tế diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Trong giai đoạn mới, Bình Dương đã và đang đầu tư, mời gọi DN tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh nhằm khai phá tiềm năng, lợi thế cũng như đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế ở mức độ cao.

Thu hút đầu tư, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao là một trong những mục tiêu chiến lược đã được Bình Dương xây dựng, triển khai. Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm qua phát triển tương đối mạnh, tuy nhiên so với nhu cầu của các DN vẫn cần tiếp tục đầu tư, nâng tầm, gia tăng giá trị. Dù là địa phương không có biển, nhưng lợi thế của tỉnh nhà là có hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai đủ điều kiện để phát triển hệ thống cảng trung chuyển hàng hóa cho các DN xuất, nhập khẩu.

Trên thực tế, Bình Dương đã, đang đầu tư vào hệ thống cảng sông khá mạnh. Hiện tại, các cảng sông Bình Dương, An Sơn, Thạnh Phước cùng các cảng cạn trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng phần nào nhu cầu tập kết, vận chuyển hàng hóa của DN tỉnh nhà cũng như các địa bàn lận cận. Cùng với đó là hệ thống kho bãi được đầu tư đạt chuẩn, diện tích lớn, có sự tham gia của nhà đầu tư trong, ngoài nước đã góp phần giúp Bình Dương trở thành địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn của cả khu vực phía Nam.

Với việc quy hoạch, mời gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng sông, cảng cạn xứng tầm, chắc chắn hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của DN trong khu vực sẽ “thông đường” hơn. Hàng hóa của Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực sẽ thuận lợi đi, về, gia tăng giá trị về nhiều mặt.

Cùng với dịch vụ cảng sông, cảng cạn, kho bãi, vận tải, Bình Dương cũng đang đầu tư mạnh cho việc mở rộng, kết nối hệ thống đường bộ nhằm đủ sức “gánh” nền kinh tế địa phương và các tỉnh thành khu vực phía Nam, Tây nguyên. Quốc lộ 13, Mỹ phước - Tân Vạn, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Tam Lập - Đồng Phú, cầu, đường nối với Tây Ninh là những tuyến đường huyết mạch, kết nối, thông thương hàng hóa đang phát huy hiệu quả cao.

Sắp tới, những tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh, cầu Bạch Đằng 2… đưa vào khai thác sẽ hình thành nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu phát triển. Giao thông thủy, bộ khai thác hết tiềm năng sẽ là mảnh ghép quan trọng để nâng tầm kinh tế dịch vụ cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà tăng tốc bền vững.

TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=458
Quay lên trên