Thủ tướng Israel cảnh báo Mỹ "không nên tin lời Iran"

Cập nhật: 01-10-2013 | 00:00:00

Ngày 30-9, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về các vấn đề an ninh và tình hình Trung Đông.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm với Thủ tướng

Israel Benjamin Netanyahu (Nguồn: AFP)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc hội đàm hai nhà lãnh đạo đã cập nhật tình hình về các vòng đàm phán mới đây giữa Israel và Palestin, những diễn biến mới nhất liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran, cuộc nội chiến kéo dài hơn hai năm qua tại Syria cùng một loạt vấn đề khác trong khu vực.

Tổng thống Obama tái khẳng định với Thủ tướng Netanyahu rằng kể từ năm 2009 khi lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu ông đã coi việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là một yêu cầu cấp bách. Ông chủ Nhà Trắng một lần nữa hoan nghênh các động thái hòa giải mới đây của Iran, nhưng yêu cầu quốc gia Hồi giáo này cần phải có những hành động cụ thể đi đôi với các lời nói.

Ông Obama tuyên bố trong lúc theo đuổi con đường ngoại giao nhằm giải quyết chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, Mỹ "vẫn không loại bỏ bất kỳ phương án nào, trong đó có cả việc sử dụng vũ lực" nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân gây bất ổn định khu vực và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Về vấn đề Syria, Tổng thống Obama cho biết hai nhà lãnh đạo đều hài lòng trước khả năng loại bỏ và chuyển kho vũ khí hóa học của Syria ra ngoài lãnh thổ nước này.

Về phần mình, Thủ tướng Israel Netanyahu cho rằng ngăn chặn Iran chế tạo và sở hữu vũ khí hạt nhân là thách thức quan trọng nhất vì một Iran có vũ khí hạt nhân không chỉ đe dọa sự tồn vong của nhà nước Israel mà còn đe dọa an ninh và hòa bình của thế giới.

Ông Netanyahu cảnh báo các nhà lãnh đạo Mỹ "không nên tin vào những lời lẽ ngoại giao” của Iran, hối thúc chính quyền Obama tiếp tục duy trì và gia tăng áp lực đối với Tehran để ngăn chặn nước này chế tạo một quả bom hạt nhân. Quan điểm của Israel cho rằng duy trì các đòn trừng phạt kinh tế hà khắc sẽ có tác dụng buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán.

Các cam kết trên đây giữa Mỹ và Israel được đưa ra sau khi Tổng thống Iran Hassan Rowhani, người lên cầm quyền sau cuộc bầu cử hồi tháng Sáu vừa qua, đã liên tục có những tuyên bố theo hướng hòa dịu với Mỹ, trong đó có cam kết không bao giờ chế tạo vũ khí hạt nhân.

Đáp lại tuyên bố này, Tổng thống Obama ngày 28/9 đã có cuộc đàm thoại kéo dài 15 phút với Tổng thống Rowhani. Đây là cuộc đàm thoại đầu tiên trong gần 35 năm qua giữa nguyên thủ hai nước.

Trước đó ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã lần đầu tiên kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 có cuộc gặp trực tiếp với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bên lề khóa họp chung của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ.

Với các động thái hòa giải này, các chuyên gia hy vọng vòng đàm phán tiếp theo giữa nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức về chương trình hạt nhân của Iran, dự kiến diễn ra trong hai ngày 15-16/10 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ đạt tiến triển mang tính đột phá.

Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu diễn ra trong bối cảnh Israel và Palestine ngày 29/7 vừa qua đã gặp nhau tại Washington để thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ gần 3 năm qua.

Đến nay, Israel và Palestine đã có 3 vòng đàm phán, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh các vấn đề cốt lõi như các tuyến biên giới giữa hai nhà nước Israel và Palestine, việc bảo đảm an ninh, tương lai của các khu định cư, quy chế cuối cùng đối với thành phố Jerusalemvà số phận của người tỵ nạn Palestine.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên