Tiếp tục chăm lo đời sống người lao động

Cập nhật: 16-09-2021 | 08:03:53

Bên cạnh các khoản chi hỗ trợ của các cấp chính quyền để kịp thời trợ giúp những công nhân lao động (CNLĐ) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay những công nhân thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cũng đã giải ngân gần 125,7 tỷ đồng cho 969 doanh nghiệp (DN) đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động (NLĐ).

Nâng chất bữa ăn cho CNLĐ “3 tại chỗ”

Thực hiện chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ tiền ăn cho các DN đang thực hiện “3 tại chỗ” với số tiền 1 triệu đồng/NLĐ, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên phối hợp với công đoàn cơ sở thống kê DN thuộc diện hỗ trợ để giúp NLĐ sớm thụ hưởng. Trên cơ sở đề xuất của đoàn viên và NLĐ, công đoàn cơ sở thống nhất với chủ DN về phương thức tổ chức, khẩu phần bữa ăn và chuyển kinh phí hỗ trợ. Bình Dương hiện có khoảng 300.000 lao động đang tham gia sản xuất “3 tại chỗ”. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã giải ngân gần 125,7 tỷ đồng cho 969 DN.

456,8 tấn lương thực, nhu yếu phẩm đã được LĐLĐ tỉnh trao đến tay CNLĐ trên toàn tỉnh

Chính sách hỗ trợ tiền ăn của Tổng LĐLĐ Việt Nam không chỉ giúp công nhân có bữa ăn ngon, mà còn chia sẻ khó khăn với DN đang thực hiện “3 tại chỗ”. Điển hình như Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) VSIP II, TP.Thủ Dầu Một) hiện có 500 công nhân (CN) đang thực hiện “3 tại chỗ” vừa nhận được hỗ trợ 1 triệu đồng/người từ công đoàn cấp trên. Sau khi nhận được tiền, công đoàn cơ sở và nhà ăn lên kế hoạch, tính toán tổ chức bữa ăn của CN được tốt hơn. Nếu trước đây, NLĐ có 3 bữa chính thì nay sẽ bổ sung thêm các bữa phụ với những món như trái cây, sữa chua và các loại bánh. Bữa chiều được bổ sung thêm món để NLĐ tái tạo sức lao động sau một ngày làm việc. Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam cho biết: “Anh chị em CN rất phấn khởi khi đón nhận những bữa ăn ngon và bổ dưỡng hơn. Điều này càng làm cho họ thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn”.

Trong khi đó, chị Bùi Thị Lê, CN Công ty TNHH Earth Corporation (KCN Nam Tân Uyên, TX.Tân Uyên) chia sẻ: “Từ ngày thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hơn 2 tháng nay, Ban giám đốc công ty chúng tôi đã chăm lo rất rốt cho CNLĐ. Tuy nhiên, được sự quan tâm thêm của LĐLĐ chi hỗ trợ tiền ăn, bản thân tôi và tất cả NLĐ đều rất vui vì chất lượng bữa ăn được nâng cao hơn. Bên cạnh bữa ăn chính giàu chất dinh dưỡng, NLĐ được bổ sung sữa, các loại trái cây, đồ uống chất lượng. Những ngày cuối tuần được công ty tổ chức bữa ăn đặc biệt”.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP cho biết, đến nay đơn vị đã chi hỗ trợ cho 71 DN thực hiện “3 tại chỗ” với số tiền gần 10 tỷ đồng. Để đưa chính sách hỗ trợ sớm đến với NLĐ, Công đoàn KCN VSIP đã có sự linh hoạt trong việc xét duyệt hồ sơ. Qua giám sát, các DN đã phối hợp với công đoàn rất hiệu quả và bữa ăn của NLĐ có sự cải thiện tốt hơn rất nhiều so với trước.

 Giúp CNLĐ khó khăn vượt qua đại dịch

Bên cạnh việc đẩy mạnh chi hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”, LĐLĐ tỉnh còn phối hợp tốt với các ban, ngành trong tỉnh đẩy mạnh chi các khoản hỗ trợ đến NLĐ đang gặp khó khăn trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh hiện nay. Đối với chi theo Nghịquyết số 68-NQ/CP của Chính phủvàQuyết định số 23-QĐ/ TTg của Thủ tướng Chính phủ, LĐLĐ tỉnh phối hợp các nội dung như: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đến nay, số đơn vị được giảm mức đóng là 14.359 đơn vị, với số lao động được giảm mức đóng là 1.011.449 lao động. Tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng (từ 1-7-2021 đến 30-6- 2022) gần 394 tỷ đồng.

Đối với nội dung hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, các đơn vị đã chi hỗ trợ cho 243.893 người với số tiền gần 366 tỷ đồng; Hỗ trợ theo Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh là 1.274.340 trường hợp, với số tiền là 382,302 tỷ đồng; Hỗ trợ theo Quyết định 12/2021/ QĐ-UBND của UBND tỉnh là 1.286.702 trường hợp, với số tiền là 643,351 tỷ đồng.

Dù LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp tốt với các ban, ngành trên toàn tỉnh để chăm lo đời sống CNLĐ trong đợt dịch bệnh thứ 4 này như vận động thêm các nguồn hàng hóa, nhưng nhìn chung đời sống NLĐ đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hầu hết NLĐ đã nhận được hỗ trợ từ địa phương bao gồm tiền thuê trọ 300.000 đồng; tiền hoặc nhu yếu phẩm trị giá 500.000 trước ngày 31-8. Tuy nhiên, với số tiền trên chỉ đủ để đóng tiền trọ. Hiện nay, họ đang bước vào giai đoạn khó khăn mới do đã sử dụng hết nguồn hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhiều NLĐ đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, phần lớn do khó khăn về thực hiện các thủ tục cũng như chưa nắm bắt hết được các thông tin cần thực hiện. Nhiều NLĐ thắc mắc vì thuộc diện F0, F1, phải nghỉ việc để thực hiện cách ly y tế hoặc ở nơi phong tỏa nhưng do thiếu giấy tờ xác minh của ngành y tế và các địa phương nên chưa đủ căn cứ để xét hỗ trợ từ nguồn ngân sách công đoàn..

Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam vàxã hội hóa được LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh. Đó là việc chi hỗ trợ cho các trường hợp F0, F1, F2; chi hỗ trợ F0 tử vong; chi hỗ trợ cán bộcông đoàn chuyên trách; hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm cho CNLĐ khó khăn... với số tiền hơn 139,4 tỷ đồng.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=841
Quay lên trên