Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 23-01-2016 | 08:20:49

Hỏi: Tôi làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Mỹ Phước III. Khi công ty tính lương làm thêm giờ cho tôi, công ty chỉ tính theo mức lương cơ bản ghi trong hợp đồng mà không cộng các khoản phụ cấp. Công ty tôi tính tiền lương làm thêm giờ như trên có đúng không?

Anh TRẦN VĂN A. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1- 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16-11-2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/ NĐ-CP, Điều 6 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23-6-2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của nghị định số 05/2015/NĐ-CP, tiền lương làm thêm giờ được tính như sau:

Tiền lương làm thêm giờ = (lương tháng ghi trong hợp đồng (gồm lương cơ bản, phụ cấp, các khoản khác)/số ngày làm việc trong tháng (tối đa không quá 26 ngày)/8) x số giờ làm thêm.

Theo quy định trên, công ty nơi anh đang làm việc đã không tính lương làm thêm giờ cho anh theo đúng quy định pháp luật. Anh nên liên hệ giám đốc công ty (thông qua phòng nhân sự) để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của phòng nhân sự công ty thì anh làm đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Bến Cát, nơi có trụ sở của công ty để yêu cầu Hòa giải viên hòa giải tranh chấp tiền lương giữa anh và công ty theo trình tự quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012.

Trường hợp hòa giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết hòa giải (trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải, Hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải) mà Hòa giải viên không tiến hành hòa giải thì anh có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TX.Bến Cát giải quyết (theo Điều 31, Điều 33, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011).

Hỏi: Tôi đang làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Đồng An. Trong tháng 12-2015 tôi có xin công ty cho nghỉ phép 4 ngày để về quê thăm mẹ tôi bị ốm. Trong thời gian này, gia đình tôi bị cơn bão lớn quét ngang qua gây thiệt hại lớn, tôi phải ở lại quê nhiều hơn số ngày phép tôi đã xin phép công ty là 5 ngày do phụ giúp mẹ tôi sửa chữa nhà cửa, khắc phục hậu quả sau cơn bão. Khi tôi có mặt ở công ty thì tôi nhận được quyết định sa thải với lý do tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong tháng mà không có lý do chính đáng. Hỏi công ty sa thải tôi với lý do này có đúng không?

Anh NGUYỄN VĂN B. (TX.Thuận An)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được áp dụng đối với người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Điều 13 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16-11-2015 hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12-1-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2015 giải thích lý do chính đáng như sau:

a) Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;

b) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, đứa trẻ mà người mang thai hộ đang nuôi theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

c) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động (Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012).

Như vậy, trường hợp của anh nghỉ 5 ngày không có đơn xin nghỉ phép với lý do nhà anh bị thiên tai, anh phải ở lại quê giúp mẹ anh sửa nhà, khắc phục hậu quả sau bão thì căn cứ quy định trên có thể xác định anh có lý do chính đáng khi nghỉ không xin phép. Trong trường hợp này, công ty sa thải anh là không đúng quy định pháp luật.

Anh có thể làm đơn khiếu nại Ban giám đốc công ty về việc sa thải anh trái pháp luật. Anh cần gửi kèm theo đơn khiếu nại của anh, giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi gia đình anh cư trú về sự kiện bất khả kháng này. Trường hợp công ty không giải quyết khiếu nại của anh hoặc anh không đồng ý với cách giải quyết của công ty thì anh làm đơn khởi kiện công ty đến Tòa án nhân dân TX.Thuận An để giải quyết tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải (theo Điều 31, Điều 33, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011).

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=421
Quay lên trên