Trả lời bạn đọc

Cập nhật: 04-05-2017 | 08:46:25

Hỏi: Hiện nay các phương tiện truyền thông liên tục đưa thông tin về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em. Tôi là một người mẹ nên cũng rất lo lắng về vấn đề này. Tôi muốn biết làm thế nào để lưu giữ được bằng chứng khi nghi ngờ con mình bị xâm hại? Mức xử phạt đối với tội danh này như thế nào?

TRẦN NGỌC THANH (P.Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 64, Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

Chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác. Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Như vậy, khi nghi ngờ con mình bị xâm hại thì cha mẹ cần thực hiện các công việc sau nhằm lưu giữ được chứng cứ:

- Đầu tiên, kiểm tra các dấu vết để lại trên thân thể của trẻ do hành vi xâm hại gây nên như tinh trùng trong cơ thể của trẻ hoặc trên quần áo trang phục mà trẻ mặc hoặc vết tích khác như lông, tóc của thủ phạm; không vội tắm cho con, đồng thời lưu giữ quần áo của con đã mặc khi bị xâm phạm vì sau này có thể sẽ giao nộp quần áo cho cơ quan cảnh sát điều tra.

- Tiếp theo, chụp hình các dấu vết để lại trên thân thể của trẻ; cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế có chuyên môn ngay khi phát hiện có dấu hiệu xâm phạm. Nếu kết quả khám mà trẻ có dấu hiệu bị xâm hại thì yêu cầu cơ sở y tế cung cấp hồ sơ bệnh án, hóa đơn, toa thuốc…

- Nếu được, hãy cho trẻ kể lại về hoạt động trong ngày, trước, trong và sau sự việc xảy ra và ghi âm lại (lưu ý cần động viên, an ủi để tránh trường hợp trẻ bị chấn động về tâm lý). Đồng thời xác định xem xung quanh nơi xảy ra sự việc có ai chứng kiến không để thu thập và ghi âm lại lời khai của những người biết hoặc chứng kiến sự việc.

- Tiếp cận, xem xét biểu hiện, thái độ của người bị nghi ngờ là thủ phạm thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ; làm đơn tố giác tội phạm hoặc trình báo đến cơ quan công an phường hoặc công an cấp huyện gần nhất.

Tùy theo tính chất, mức độ và hành vi phạm tội mà hành vi xâm hại tình dục trẻ em được quy định ở nhiều tội danh với mức xử phạt khác nhau. Ví dụ như đối với tội hiếp dâm trẻ em tại Điều 112 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì mức xử phạt từ 7 năm tù đến chung thân hoặc tử hình; tội cưỡng dâm trẻ em tại Điều 114 Bộ luật Hình sự thì bị phạt tù từ 5 năm đến chung thân; tội giao cấu với trẻ em tại Điều 115 Bộ luật Hình sự thì bị phạt tù từ 1 năm đến 15 năm; tội dâm ô đối với trẻ em tại Điều 116 Bộ luật Hình sự thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm…

TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TỈNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=266
Quay lên trên