Hỏi: Sau khi vợ chồng tôi cưới nhau, chúng tôi có tạo dựng được 2 căn nhà. Gần đây vợ chồng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể tiếp tục sống với nhau được nữa nên chúng tôi làm văn bản thỏa thuận chia 2 căn nhà trên, mỗi người được 1 căn. Sau đó tôi cho thuê căn nhà của mình, vợ tôi biết được việc này nên yêu cầu tôi phải đưa cho vợ tôi một nửa tiền cho thuê nhà với lý do là căn nhà trên vẫn là tài sản chung của vợ chồng do chúng tôi chưa ly hôn. Tôi muốn biết tiền thu từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân có phải là tài sản chung của vợ chồng không?
VŨ ĐÌNH A. (huyện Phú Giáo)
Trả lời: Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
“1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của luật này”.
Tại Khoản 2 Điều 39 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình và Điều 14 Nghị định 126/2014/NĐ-CP ngày 31-12-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình quy định từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng…
Do vợ chồng anh đã có văn bản thỏa thuận về việc chia tài sản chung nên về nguyên tắc căn nhà được chia là tài sản riêng của anh. Căn cứ các quy định vừa trích dẫn ở trên, lợi tức thu được từ việc khai thác căn nhà này (khoản tiền anh thu được khi cho thuê nhà) được xác định là tài sản riêng của anh, vợ anh không có quyền yêu cầu được chia nửa số tiền đó (trừ trường hợp vợ chồng anh có thỏa thuận khác).
Hỏi: Hai vợ chồng tôi sau khi nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn đã được tòa án thụ lý giải quyết bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Sau khi ly hôn, vợ tôi không có nhà để ở. Vậy vợ tôi có quyền ở trong căn nhà là nơi sinh sống của vợ chồng tôi trước đây và là tài sản riêng của tôi theo bản án của tòa án hay không?
VŨ MINH L. (TX.Dĩ An)
Trả lời: Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn, theo đó: “Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Như vậy, nếu vợ ông có khó khăn về chỗ ở thì vợ ông có quyền lưu cư trong căn nhà là nơi sinh sống của vợ chồng ông trước đây trong thời hạn tối đa là 6 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân của vợ chồng ông chấm dứt, trừ trường hợp giữa hai người có thỏa thuận khác.
SỞ TƯ PHÁP