Trả lời pháp luật

Cập nhật: 23-09-2013 | 00:00:00

1. Con trai tôi và con hàng xóm là bị can trong vụ án đánh người gây thương tích, sau khi công an gọi lên làm việc đã cho 2 cháu về nhà. Khoảng 2 tháng sau con tôi nhận được giấy gọi ra tòa và bị tuyên phạt 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, nhưng con của người hàng xóm lại không phải ra tòa do bị hại đã có đơn bãi nại. Hỏi như vậy có đúng theo quy định của pháp luật?

ĐẶNG TẤN L. (TP.Thủ Dầu Một)

Trả lời:

Vấn đề khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại được pháp luật quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau:

1. Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

2. Trong trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì cho dù người đã yêu cầu khởi tố xin rút yêu cầu nhưng cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án vẫn có thể tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

Người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Do vậy, người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà bị truy tố theo Khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự nếu có đơn bãi nại của bị hại (nghĩa là người bị hại yêu cầu không khởi tố) thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ việc truy tố và xét xử đối với bị can đã được người bị hại bãi nại. Trường hợp này, con của người hàng xóm trong cùng vụ án với con ông không bị xét xử là đúng quy định trên.

2. Con trai tôi bị Tòa án Nhân dân huyện kết án 12 tháng tù vì tội vô ý gây thương tích cho người khác nhưng cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 2 năm. Trong thời gian hưởng án treo, con tôi phải thực hiện những nghĩa vụ gì?

TRỊNH THỊ T. (Huyện Dầu Tiếng)

Trả lời:

Thi hành án (THA) treo là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật THA hình sự thực hiện giám sát, giáo dục người bị phạt tù được hưởng án treo trong thời gian thử thách.

Trong thời gian chấp hành án, con trai bà phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 64 Luật THA hình sự:

- Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

- Phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục.

- Trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú từ 1 ngày trở lên thì phải khai báo tạm vắng.

- 3 tháng một lần, trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải nộp bản tự nhận xét về việc chấp hành pháp luật cho người trực tiếp giám sát, giáo dục; trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 3 - 6 tháng, thì phải có nhận xét của công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình với UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.

SỞ TƯ PHÁP BÌNH DƯƠNG   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=251
Quay lên trên