Trần Hạnh Minh Phương: “Đi và viết, cuộc sống phong phú hơn”

Cập nhật: 29-12-2017 | 09:20:22

Sắp xếp xong công việc giảng dạy ở trường, công việc của một người vợ, người mẹ trong gia đình, cô giáo Trần Hạnh Minh Phương (ảnh) thích nhất là được đi và viết. Bởi như cô nói, khi đó mình được sống với đam mê, được trải lòng và cuộc sống cũng phong phú hơn…

Tôi ấn tượng với cô giáo Trần Hạnh Minh Phương (giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương) ngay từ lần gặp đầu tiên ở trại Sáng tác văn học năm 2016 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Ở cô có nụ cười rất hiền lành, thân thiện. Suốt chuyến đi, chúng tôi cũng có dịp tâm sự với nhau nhiều về chuyện đời, chuyện nghề. Minh Phương cho biết: “Những năm tháng tuổi thơ của cô gắn liền với miền quê nghèo ở xã Giao Hòa, Châu Thành, Bến Tre. Với ý chí quyết tâm học để thoát nghèo, năm 1991, cô học sinh “con nhà nghèo học giỏi” cũng là niềm tự hào của gia đình đã rời quê bước vào giảng đường trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Bước ngoặt cuộc đời có thể kể từ đó cho một con người không ngừng học tập, phấn đấu”.

Nhờ tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, Minh Phương được nhận vào làm việc ở Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh. Sau 15 năm công tác tại đây, Minh Phương có điều kiện tiếp tục học lên cao học, rồi nghiên cứu sinh để trở thành giảng viên của trường Đại học Thủ Dầu Một từ năm 2010 cho đến nay. Hiện tại, với vai trò là một giảng viên của trường đại học, cô giáo Minh Phương vừa lên lớp giảng bài, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm khóa luận tốt nghiệp… Với công việc nào, cô cũng cố gắng hoàn thành với hết tinh thần trách nhiệm của mình. Ngoài những công việc như đã kể ở trên, cô còn có nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, thực hiện niềm đam mê của mình. Nhận thấy Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là nơi có cơ hội thực hiện “nhiệm vụ thứ hai” của giảng viên, cô đã quyết định gia nhập hội từ năm 2014. Kể từ đó, cô tham gia nhiều hoạt động của hội.

Có thể kể đến những việc mà cô Minh Phương đã làm với tư cách một hội viên Văn nghệ dân gian: Tham gia trại viết mùa hè năm 2016; viết bài cho Báo Văn nghệ Bình Dương với các bài như: Quan niệm về chữ Phước của người Việt ở Nam Bộ, Di sản văn hóa phi vật thể qua hệ thống di tích lịch sử ở Bình Dương, Đời sống các tộc người thiểu số ở Bình Dương ngày nay… Điều đáng nói nữa là năm 2017 này, Minh Phương còn làm một trong những cây bút tích cực đã đi sưu tập tư liệu và viết về các mẹ Việt Nam anh hùng ở Phú Giáo đăng trong tổng tập sách mẹ Việt nam anh hùng của tỉnh nhà. Lặn lội đến từng nhà, chụp ảnh, phỏng vấn viết bài và cảm nhận cuộc sống xung quanh ngoài giảng đường là điều Minh Phương lấy làm thích thú. Học hỏi được nhiều lắm từ những con người tuyệt vời mà mình gặp cũng như rất thú vị khi tìm được một tài liệu quý về đất và người Bình Dương là điều mà cô Minh Phương cho biết là “thu hoạch lớn nhất từ nghề tay trái này”.

Với tinh thần làm việc tích cực như thế, cô Trần Hạnh Minh Phương cũng nhận được giải nhì công trình nghiên cứu của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh năm 2016 (tổng kết trao giải năm 2017).

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1028
Quay lên trên