Tri ân

Cập nhật: 18-07-2013 | 00:00:00

 Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ người trồng cây. Đó là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vừa qua và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay, có những sự hy sinh mất mát không gì bù đắp nổi. Đó là những mẹ Việt Nam anh hùng, những liệt sĩ, thương binh, những gia đình có công… Thể hiện đạo lý ấy, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc và có những chính sách đãi ngộ, chăm lo cho họ. Những nghĩa cử cao đẹp ấy không chỉ thể hiện sự tri ân mà còn góp phần bù đắp những đau thương, mất mát cho các đối tượng đã đóng góp công sức, máu xương cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Riêng Bình Dương, công tác này được đẩy mạnh và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Theo thống kê toàn tỉnh đang quản lý trên 50.000 đối tượng người có công, trong đó có 841 mẹ Việt Nam anh hùng được phong tặng và truy tặng, 14.700 liệt sĩ, 141 thương binh nặng, trên 4.100 thương, bệnh binh các hạng, 668 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tỉnh đã có nhiều chính sách, nhiều phong trào chăm sóc các đối tượng chính sách. Hàng năm tỉnh đã trích ngân sách, đồng thời kêu gọi các tổ chức kinh tế - xã hội xây, sửa nhà tình nghĩa, giúp các đối tượng an tâm về chỗ ở. Hiện nay các gia đình chính sách ở Bình Dương đã cơ bản có nhà ở ổn định. Không những vậy, các gia đình chính sách, thương binh, người có công còn được tỉnh, cộng đồng xã hội hỗ trợ, tạo điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Kết quả đến nay các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân địa phương. Chăm lo sức khỏe cho các đối tượng là một trong những nhiệm vụ được tỉnh quan tâm thực hiện hàng đầu. Ngoài được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được chăm lo khi ốm đau bệnh tật, vào các ngày lễ, tết, từ tỉnh đến huyện thị, xã phường, thị trấn còn tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách.

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở Bình Dương đã được xã hội hóa. Các tổ chức kinh tế - xã hội, Mạnh Thường Quân, các hội - đoàn từ tỉnh đến cơ sở đều có những chương trình chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công. Phổ biến nhất là xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng đến suốt đời, đỡ đầu chăm sóc thương binh nặng và các liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn...

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND việc tổ chức kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2013). Bên cạnh việc tri ân sự hy sinh cao cả của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm chăm lo các gia đình chính sách như thực hiện tốt phong trào phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, mở rộng việc vận động đỡ đầu chăm sóc đời sống cho thương binh, gia đình liệt sĩ khó khăn neo đơn; kiểm tra, rà soát những gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo để có kế hoạch xem xét hỗ trợ về vật chất cho phù hợp nhằm giúp họ ổn định vươn lên trong cuộc sống. Tổ chức tốt việc tìm kiếm, phát hiện và quy tập mộ liệt sĩ vào an táng trong các nghĩa trang liệt sĩ…

Công tác đền ơn đáp nghĩa là việc làm lâu dài và thường xuyên. Riêng tháng 7 hàng năm, truyến thống trên càng được phát huy và nhân rộng. Đây là dịp các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân bằng những hoạt động việc làm cụ thể của mình không chỉ nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn mà còn góp phần thực hiện hiện thành công xã hội hóa hoạt động đền ơn đáp nghĩa.

 DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên