Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương: Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 20-10-2020 | 07:44:06

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đem đến những thay đổi về sản xuất và cơ cấu nhân lực trong thị trường lao động tương lai. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương (TT) luôn cập nhật chương trình đào tạo, thực hành theo hướng ứng dụng công nghệ để đáp ứng nguồn nhân lực trong bối cảnh mới.

 Học viên thực hành bảo dưỡng động cơ và máy phát điện trên ô tô

Nhiều thay đổi trong kỹ năng nghề nghiệp

Được thành lập vào năm 2008, TT mở rộng nhiều ngành nghề đào tạo, đa dạng hóa các hoạt động đào tạo để tăng quy mô tuyển sinh hàng năm. Ông Nguyễn Tấn Duy, Giám Đốc TT, cho biết hiện nay, việc triển khai ứng dụng kỹ năng số hóa tại các doanh nghiệp (DN) còn rất nhiều hạn chế, DN chưa chủ động chuyển đổi số vì nhiều nguyên nhân và trong đó nguyên nhân chuyển đổi số gắn với lao động tại DN là chưa đáp ứng được. Với sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã yêu cầu DN cần phải chuyển đổi số từ trong chính những máy móc thiết bị tại DN. Để nâng cao được năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm đòi hỏi DN phải ứng dụng những thành tựu đạt được từ sự phát triển của thuật toán số, trí tuệ nhân tạo (AI), big data và công nghệ thông tin... Từ năm 2020 trở đi, DN phải chuyển đổi số mạnh mẽ và thực chất hơn để tăng sức cạnh tranh với nhiều DN trong và ngoài nước đã thực hiện chuyển đổi số.

Đối với người lao động, cần trang bị đầy đủ kỹ năng số để bảo đảm năng lực tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại DN, như: Trang bị kỹ năng về tin học ứng dụng công nghệ thông tin; tiếng Anh căn bản, dịch thuật chuyên ngành/nghề; hiểu về chuyển đổi số căn bản; năng lực áp dụng công nghệ số hóa trong doanh nghiệp; tiếp cận mạng viễn thông internet; tiếp cận với công nghệ trí tuệ nhân tạo AI; nhận thức về sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Ngày nay, trong bối cảnh hợp tác và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với mục đích đón đầu nhu cầu nhân lực của đất nước và DN trong thời kỳ mới, TT đào tạo nguồn nhân lực theo phương châm “Ðào tạo gắn liền với nhu cầu xã hội” nhằm tạo điều kiện cho học viên rèn luyện kỹ năng, tác phong và đạo đức nghề nghiệp. Tận dụng các điều kiện và khả năng có thể để thực hiện nguyên lý “Học đi đôi với hành, học tập kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội”, nhà trường luôn ứng dụng rộng rãi các phương tiện dạy học hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin trong dạy và học. Đây chính là một điều khẳng định về chất lượng đào tạo của nhà trường.

Thúc đẩy liên kết nhà trường và doanh nghiệp

Từ năm 2018 đến nay, TT đã liên kết đào tạo thêm một số ngành nghề mới và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, như: Công nghệ ô tô; ứng dụng phần mềm; quản trị mạng máy tính; kế toán doanh nghiệp; quản trị doanh nghiệp; quản trị kinh doanh; tài chính ngân hàng; tài chính doanh nghiệp; nhà hàng - khách sạn. TT đã áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý và đào tạo cho học viên học tại TT. Đặc biệt, từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì nhu cầu chuyển đổi số trong đào tạo trực tuyến được triển khai và đạt được kết quả khá trong công tác học tập liên tục của học viên. TT áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến E-Learning ứng dụng từ phần mềm Hangout Meet vào giảng dạy trực tuyến và đã thu hút học viên tham gia lớp trực tuyến E-Learning đạt trên 95%.

Học viên học tại TT được trang bị nhiều kỹ năng chuyển đổi số và từng bước tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ông Nguyễn Tấn Duy cho biết thêm, học viên hiện nay đang thiếu rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng chuyển đổi số còn nhiều mới mẻ và có phần lạc hậu. Cho nên nhà trường đào tạo để trang bị ngay cho học viên những kiến thức căn bản nhất về chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN trong tình hình mới. Với phương châm: “Học việc - Việc làm - Cuộc sống - Tương lai”, cho nên nhà trường đã tiên phong trong công tác đào tạo gắn liền với nhu cầu của DN. “Hiện nay, để một lao động có tay nghề không là chưa đủ mà cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, như: Kỹ năng nói chuyện trước công chúng; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng phỏng vấn xin việc; kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tin học - ngoại ngữ”, ông Nguyễn Tấn Duy nói.

Trong những năm qua, nhà trường luôn xác định việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp là yếu tố quan trọng và quyết định đến uy tín và chất lượng của nhà trường. Để tăng thêm cơ hội việc làm tốt cho học viên, nhà trường đề cử cán bộ tích cực tham gia vào Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương và các hiệp hội, ngành hàng khác để tìm kiếm thêm đơn đặt hàng đào tạo và hợp tác cung ứng nguồn nhân lực cho các DN trong hội. Sau những năm tham gia các hiệp hội, trường đã đưa ra những giải pháp đào tạo đúng với nhu cầu của DN và học viên của trường được DN tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

 Từ năm 2013, nhà trường đã ký cam kết giới thiệu việc làm với người học. Để bảo đảm thực hiện đúng cam kết, trường đã đi đến các DN ở tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng ở hiện tại và tương lai của DN, từ đó trường đã hợp tác giới thiệu việc làm cho rất nhiều DN và được DN đánh giá rất cao về tay nghề cùng với thái độ tác phong tốt của từng ứng viên lao động tại DN mà trường đã giới thiệu.  

 T.VY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=731
Quay lên trên