Thống kê mới đây của Bộ Công Thương cho thấy hàng tiêu dùng nhập khẩu từ các nước lân cận, nhất là Thái Lan, vào nước ta vẫn tăng mạnh. Bên cạnh hàng gia dụng, các sản phẩm nông nghiệp như trái cây có xuất xứ từ Thái Lan cũng chiếm khoảng 40% thị phần, dù giá luôn cao hơn trái cây cùng loại trong nước.
Một điểm yếu của doanh nghiệp trong nước lâu nay đã được nói nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có sự chuyển đổi phù hợp với thời cuộc đó là doanh nghiệp còn nhỏ về quy mô, yếu về vốn, công nghệ, khả năng kinh doanh, làm ăn còn manh mún nên nhiều sản phẩm làm ra có giá thành cao, không bắt mắt khó cạnh tranh với hàng hóa của các công ty nước ngoài. Có những doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt, giá thành rẻ nhưng thiếu chiến lược phát triển lâu dài, thiếu các kênh phân phối, tiếp thị, quảng cáo sản phẩm ra thị trường. Không ít doanh nghiệp cũng chưa chú trọng đến thị trường nông thôn trong khi đây là khu vực chiếm 70% dân số của cả nước, vô hình trung để người tiêu dùng nông thôn tìm đến hàng nhập khẩu, thậm chí nhập lậu, hàng giả, hàng nhái. Đành rằng, người tiêu dùng có quyền mua hàng theo sở thích, theo khả năng tài chính của họ nhưng nếu chúng ta sản xuất được nhiều mặt hàng đẹp, có chất lượng, biết quảng bá, đưa hàng về tận nơi… thì người tiêu dùng trong nước sẽ đến và gắn bó với hàng hóa sản xuất trong nước…
Đến nay, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực hiện được 5 năm; kết quả cho thấy hàng Việt Nam đã đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm ưu thế trong suy nghĩ của người dân. Tuy vậy, để hàng hóa sản xuất trong nước đến với người tiêu dùng trong nước cả ở thành thị, nông thôn và vùng sâu, vùng xa, về phía doanh nghiệp cần quan tâm đổi mới công nghệ để có nhiều sản phẩm chất lượng cao và giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách phù hợp khuyến khích được doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển những ngành nghề xã hội đang cần, bảo đảm được các yếu tố cạnh tranh với hàng ngoại nhập trên thị trường. Với người tiêu dùng, hãy là người tiêu dùng yêu nước bằng cách chỉ mua hàng ngoại khi trong nước chưa sản xuất được để cùng Nhà nước và doanh nghiệp trong nước tự cường về kinh tế, góp phần xây dựng đất nước vững mạnh.
HOÀNG ANH