Tự hào sứ mệnh vinh quang

Cập nhật: 11-05-2023 | 08:37:48

Hôm nay (11-5), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII. Một trong những nội dung quan trọng của hội nghị là xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025).

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao thư, tặng hoa cảm ơn các cơ quan báo chí tại buổi họp mặt báo chí đầu năm 2023. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Đồng hành cùng dân tộc

Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cho thấy, cùng với những thăng trầm của lịch sử, mỗi chặng đường mà báo chí cách mạng Việt Nam đi qua đều gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc. Đó là quá trình từ khi vận động thành lập Đảng, tới huấn luyện cán bộ, chuẩn bị cơ sở lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, cổ vũ nhân dân làm nên cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào vận động dân chủ 1936-1939, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.

Tiếp đó, báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng, cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi vào các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) mở ra thời kỳ đổi mới đất nước, hoạt động báo chí được đổi mới về tư duy, tổ chức, cơ chế hoạt động, phát huy đầy đủ chức năng là công cụ của Đảng, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Trong hơn 35 năm đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và hình thức thể hiện; công tác chỉ đạo, quản lý có bước đổi mới; loại hình báo chí đa dạng, bao gồm: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Đội ngũ nhà báo ngày càng đông đảo, có bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ... Báo chí cách mạng tiếp tục giữ vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân, đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, địa phương; ngày càng thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội…

Thách thức và cơ hội

Hội nghị quán triệt, triển khai quy định mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII gồm: Quy định số 85-QĐ/TW ngày 7-10-2022 về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội; Quy định số 99-QĐ/TW ngày 27-2-2023 về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Quy định số 100-QĐ/TW ngày 28-2-2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 28-2-2023 về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí; xây dựng kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025)…

Thời gian qua, báo chí đã tích cực, chủ động, kịp thời phản ánh, tuyên truyền, cổ vũ thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh chân thực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và quốc tế; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội. Đặc biệt, báo chí tiên phong trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bên cạnh đó, báo chí còn đẩy mạnh các hoạt động thông tin về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhất là trên biển Đông, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thành tựu đổi mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển, hội nhập hiện nay, bên cạnh những cơ hội to lớn do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, báo chí nước ta đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là sự cạnh tranh thông tin giữa báo chí chính thống với các loại hình truyền thông khác. Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ và có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập... Những thách thức đó dù đã được nhận diện song chưa thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có giải pháp tổng thể, đột phá.

Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là tổ chức, sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản, in, phát hành để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và có giá trị tới nhân dân; thực hiện thành công chuyển đổi số (CĐS), đổi mới mô hình quản lý, cách thức tổ chức, vận hành; đa dạng hóa phương thức cung cấp nội dung và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đa nền tảng, đa phương tiện, lấy người dân làm trung tâm; thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh bắt kịp xu thế thông tin, truyền thông của thế giới, góp phần nâng cao uy tín, vị thế và hình ảnh Việt Nam.

Trước đó, ngày 6-4-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 348/ QĐ-TTg phê duyệt chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, chuyển đổi số báo chí nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Để đạt được mục tiêu trên, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; phát triển các sản phẩm báo chí số; phát triển nền tảng số; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh...

Gần một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, tin rằng nền báo chí cách mạng Việt Nam với truyền thống vẻ vang và sứ mệnh cao cả của mình sẽ tiếp tục phát huy vai trò là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong công tác thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, giáo dục tư tưởng..., góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” - do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt chặng đường vẻ vang gần một thế kỷ, thấm nhuần sâu sắc quan điểm báo chí cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…

TRÍ DŨNG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=848
Quay lên trên