Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cũng như kiên quyết xử lý đối với người vi phạm mà thời gian qua số người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện đội mũ bảo hiểm ngày càng tăng. Dần dần việc đội mũ bảo hiểm (MBH) được xem như là một nét văn hóa giao thông của người dân.
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, xử phạt các trường hợp đội MBH không đạt chuẩn theo quy định
Đội MBH trở thành văn hóa giao thông
Qua trao đổi với P.V, Thượng tá Từ Hải Thọ, Phó Trưởng Công an (CA) huyện Bắc Tân Uyên cho biết việc người dân tham gia giao thông trên địa bàn chấp hành đội MBH là khá tốt. Theo Thượng tá Thọ, trước đây đối với các trường hợp học sinh chạy xe phân khối lớn đến trường và không đội MBH, sau khi lập biên bản xử phạt thì lực lượng chức năng thông báo về nhà trường, nhưng nay biện pháp này không thực hiện nữa mà chuyển sang tăng cường tuyên truyền trong các trường học qua mạng xã hội.
Song song đó, CA địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tranh thủ giờ giải lao để tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông cho người lao động, đặc biệt là vấn đề đội MBH khi tham gia giao thông. Từ đó việc chấp hành đội MBH của đối tượng này ngày càng tăng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT).
Trong khi đó, Thiếu tá Trần Minh Tuấn, Phó Trưởng CA TP.Thuận An cho biết từ nay đến cuối năm, song song với công tác tuần tra xử lý các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch bệnh thì lực lượng chức năng cũng xử lý nghiêm hành vi không đội MBH khi tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này.
Theo Thiếu tá Tuấn, thời gian qua do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại các công ty, trường học không thể thực hiện như trước. Vì vậy CA địa phương đã chuyển hướng tuyên truyền trên mạng xã hội, đồng thời phối hợp các chủ nhà trọ, doanh nghiệp, phòng giáo dục và gửi thông tin để những nơi này chuyển thông tin cần tuyên truyền lên các nhóm Zalo. Nội dung tuyên truyền tập trung các vấn đề thời sự hiện nay cũng như nhắc nhở người dân chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, trong đó có việc đội MBH, coi đây như là một văn hóa khi tham gia giao thông.
Tiếp tục các giải pháp để nâng tỷ lệ người đội MBH
Theo báo cáo của CA tỉnh, từ năm 2018 đến tháng 9-2021 lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và lập biên bản xử phạt hơn 65.250 trường hợp vi phạm về đội MBH khi tham gia giao thông. Qua đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 12,6 tỷ đồng. Trong số các trường hợp vi phạm thì hơn 10.000 trường hợp người vi phạm dưới 18 tuổi; hơn 1.500 ngàn trường hợp người trưởng thành chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên không đội MBH. Theo thống kê, trong 4 năm qua, số nạn nhân bị thiệt mạng do TNGT có liên quan đến việc không đội MBH là 11 trường hợp. Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp kinh doanh MBH không rõ nguồn gốc.
Theo đánh giá, nhờ các cơ quan ban ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ người dân tham gia giao thông đội MBH đã được nâng lên và dần trở thành văn hóa giao thông. Tuy nhiên qua thống kê, mặc dù số người vi phạm về đội MBH có giảm như nhìn chung lỗi này trên tổng số vụ vi phạm về an toàn giao thông bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, hơn 26%; tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội MBH khi tham gia giao thông chỉ mới đạt 30 - 40%... Vì vậy, để khắc phục các hạn chế trên, Ban ATGT tỉnh đề nghị các thành viên tiếp tục các giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền với nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ; tăng cường tuần tra xử lý nghiêm hành vi không đội MBH và các vi phạm khác của người tham gia giao thông.
Qua 4 năm (2018-2021) thực hiện Chỉ thị số 04/ CT-TTg “Về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội MBH đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”, các thành viên Ban ATGT tỉnh đã có nhiều hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó tăng cường tuyên truyền về nội dung này trên Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương; tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT trong các trường học, công ty, xí nghiệp. Riêng lực lượng CA đã tổ chức trao hơn 11 ngàn MBH đạt chuẩn cho các em học sinh; Liên đoàn Lao động đã tổ chức tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trong các khu công nghiệp, ký túc xá công nhân, khu nhà trọ. Đẩy mạnh thực hiện tiêu chí “Văn hóa giao thông trong công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh…
LÊ TRẦN PHƯƠNG