Thực hiện việc kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch, phường Phú Chánh (TX. Tân Uyên) đã vận động được nhiều trường hợp khỏi bệnh tham gia vào tuyến đầu. Đây chính lànguồn lực quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo các F0 chia sẻ, điều quan trọng để họ quay lại chung tay cùng địa phương chống dịch bởi chính cái tâm vì công việc, vì người bệnh của lãnh đạo địa phương.
Y sĩ Toàn chu đáo, thân thiện
Người phát pháo đầu tiên cho nhiều F0 đã khỏi bệnh quay trở lại tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn phường Phú Chánh không ai khác chính là y sĩ Nguyễn Phước Quý Toàn, thành viên Ban Quản lý thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19 phường Phú Chánh. Anh vốn là Giám đốc Công ty cơ điện lạnh. Những ngày phường Phú Chánh kêu gọi y, bác sĩ, điều dưỡng tham gia chống dịch, anh đã hăng hái tham gia bởi trước đó anh có 2 năm theo học ngành y sĩ Đông y. Với anh, đây chính là cơ hội để cứu người.
Các F0 đã khỏi bệnh được tập huấn kỹ năng nghiệp vụ trước khi tham gia chống dịch
Không đắn đo, suy nghĩ, anh đăng ký tham gia đội hình tình nguyện đi lấy mẫu, hỗ trợ cấp cứu... Và sau một thời gian tham gia, không may, anh đã dương tính, trở thành F0. Khi được điều trị khỏi bệnh, anh thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Vì vậy, khi phường Phú Chánh thành lập Trạm xá lưu động, tổ thăm hỏi bệnh nhân lưu động, anh tiếp tục tình nguyện tham gia.
Hàng ngày, anh cùng lực lượng phường xuống tận nhà dân để phát thuốc, khám bệnh. Anh trăn trở mãi, vì sao có nhiều bệnh nhân đã trị cả tháng mà vẫn còn dương tính? Tiếp cận nhiều bệnh nhân và anh nhận ra rằng, nhiều bệnh nhân trị bệnh chưa đúng cách, nhất là trong khâu vệ sinh. Và rồi anh đã tận tình, hướng dẫn người dân cách vệ sinh cá nhân, nhất là vệ sinh mũi, kèm theo hướng dẫn cách tập thở, cách uống thuốc đúng, đủ... Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã nhanh chóng khỏi bệnh hoặc không diễn biến bệnh nặng.
Cũng chính từ việc làm thiết thực của y sĩ Toàn và tập thể Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Phú Chánh mà ngày càng có nhiều F0 khỏi bệnh tham gia chống dịch. Như bạn Ma Thị Kim Hồng, thành viên của Ban Quản lý thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19 phường Phú Chánh, chia sẻ: “Em ở Đồng Nai qua đây cùng em gái làm công nhân. Khi khu trọ có F0, sau đó không lâu em test cũng trở thành F0. Sau thời gian điều trị, em được về nhà cách ly điều trị tiếp. Thấy được sự nhiệt tình của các anh, cũng như muốn góp sức mình cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, em đã hăng hái tham gia”.
Hiện Hồng đang làm nhiệm vụ phối hợp chăm sóc bệnh nhân; sắp xếp nơi ăn, ở, sinh hoạt cho bệnh nhân khu điều trị, đồng thời theo dõi, giám sát và hướng dẫn các trường hợp đang điều trị thực hiện nghiêm túc các quy định điều trị để tránh lây nhiễm chéo trong khu điều trị. Ngoài nhiệm vụ phân công thì Hồng đóng vai trò tư vấn tâm lý để trấn an tư tưởng cho các F0 đang điều trị, giúp họ lạc quan, yêu đời. Đây chính là động lực rất lớn cho các F0 chiến thắng bệnh tật.
Hồng chia sẻ: “Nhiều bệnh nhân khi vào viện tâm lý rất hoang mang, rất dễ chuyển biến nặng. Vì vậy, việc động viên tinh thần cho bệnh nhân là rất quan trọng. Khi người bệnh ổn định tâm lý, tuân thủ quy trình điều trị, đúng phác đồ thì căn bệnh này cũng không quá đáng sợ như mọi người nghĩ”.
“Pháo đài” trong lòng dân
Nhấn đi nhấn lại lý do phường Phú Chánh vận động được nhiều F0 hết bệnh quay lại tham gia chống dịch, cả y sĩ Toàn, hay chị Hồng đều khẳng định, tất cả đều nhờ vào tấm lòng nhiệt huyết của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của phường. Người lãnh đạo cùng sâu sát nắm địa bàn, theo sát từng bệnh nhân... Đây chính là niềm tin, động lực của người dân tin tưởng vào Đảng, chính quyền, cùng chung tay góp sức với địa phương chống dịch.
Ông Nguyễn Tấn Thy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường Phú Chánh, cho biết thực hiện việc kêu gọi các F0 đã khỏi bệnh tham gia chống dịch, phường đã tích cực vận động F0 đã khỏi bệnh tham gia. Theo đó, các F0 sẽ làm nhiệm vụ như phối hợp chăm sóc bệnh nhân; sắp xếp nơi ăn, ở, sinh hoạt cho bệnh nhân khu điều trị; theo dõi, giám sát và hướng dẫn các trường hợp đang điều trị thực hiện nghiêm túc các quy định điều trị để bảo đảm tránh lây nhiễm trong khu điều trị. Tài xế thì làm nhiệm vụ vận chuyển F0 đến khu điều trị ban đầu hoặc chuyển viện. Y sĩ thì làm nhiệm vụ khám bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân...
Và, theo ông Nguyễn Tấn Thy, những F0 khỏi bệnh, ngoài công việc được phân công phù hợp họ còn đóng vai trò tư vấn tâm lý hiệu quả cho F0 đang điều trị. Họ là động lực rất lớn cho các F0 chiến thắng bệnh tật...
THU THẢO