Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã kế thừa và phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, đưa dân tộc và đất nước đi đến những mùa xuân tươi thắm!
Nhìn lại trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, đoàn kết, đồng lòng luôn là cội nguồn sức mạnh để người Việt Nam đứng vững trước bao cuộc xâm lăng từ thời các vua Hùng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Biết bao nhiêu đạo quân đông đúc, hung tàn và thiện chiến bậc nhất trong những thời kỳ khác nhau của lịch sử, đều không thể khuất phục trước ý chí và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Từ Hai Bà Trưng... Triệu, Đinh, Lý, Trần... đến thời đại Hồ Chí Minh, đại đoàn kết luôn là sức mạnh vô song để dân tộc Việt Nam tồn tại, giữ vững chủ quyền đất nước và vươn mình “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”; “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”...
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong những hoàn cảnh khó khăn, đất nước lâm nguy, sức mạnh đại đoàn kết luôn là một lực lượng chính trị vô song: Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước và dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”; 9 năm kháng chiến trường kỳ, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cũng chính từ ngọn nguồn của sức mạnh ấy người Việt Nam đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...”, để Nam - Bắc sum họp một nhà...
Hôm nay, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, đô thị hóa, thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng tốc phát triển để bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu, sức mạnh đại đoàn kết vẫn luôn là yếu tố then chốt để thực hiện mục tiêu đó. Tương lai phía trước rộng mở, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen, nhưng với truyền thống đoàn kết một lòng của mọi người con dân đất Việt, khát vọng vươn lên của quê hương, đất nước sẽ trở thành hiện thực.
THÀNH SƠN