Cách đây vừa tròn 70 năm vào đêm 18 rạng sáng 19-3, Đội du kích Tân Uyên do Đại tá Trần Công An (còn gọi là Hai Cà) chỉ huy đã ngụy trang, bí mật xâm nhập vào Tháp canh cầu Bà Kiên (nay thuộc phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên) tiêu diệt hoàn toàn lực lượng địch đang canh phòng tại đây. Trận đánh độc đáo này đã trở thành nơi khởi phát, khai sinh ra lối đánh đặc công - một lối đánh đặc biệt trong nghệ thuật quân sự của dân tộc Việt Nam.
Sau trận đánh trên, quân Pháp đã tăng cường phòng thủ cho tháp canh nên việc tấn công của quân ta gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, mục tiêu tấn công tối đa tháp canh để làm phá sản chiến thuật De La tour của địch đã được Bộ Tư lệnh Khu 7 quyết tâm thực hiện. Tiếp đó, đêm 22 rạng sáng 23-3-1950, đã có 300 chiến sĩ được huấn luyện chiến thuật tấn công tháp canh theo cách của đồng chí Trần Công An chia làm 50 tổ đồng loạt tấn công 50 tháp canh của địch trên các trục lộ 16, 24 và các quốc lộ 1, 13, 14. Lần này các tổ công đồn đều được trang bị mìn FT (phá tường) và dùng sào tầm vông gắn mìn lên độ cao khoảng 2 mét của tháp canh, nên đã gây tổn thất đáng kể cho địch. Cả 50 tháp canh của địch đều bị phá một lổ thủng rộng từ 0,6 mét cho đến 1,5 mét. Tổng cộng có trên 70 tên địch bị tiêu diệt, quân ta thu được 30 súng các loại. Sau trận đánh vang dội này, hội nghị Khu 7 đã chính thức gọi cách tấn công đồn bót, tháp canh này là “công đồn đặc biệt”, gọi tắt là đặc công. Danh từ đặc công cũng chính thức ra đời từ đây.
T.ĐỒNG